Bất cập xử lý bùn thải đô thị ở Thành phố Nam Định

09:10, 02/10/2015
Tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của các đô thị đang tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường; trong đó có một lượng lớn bùn thải đô thị (chất cặn lắng từ hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh) chưa được xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Là đô thị lâu đời nên hệ thống thoát nước của Thành phố Nam Định chủ yếu là chung cho cả 3 loại nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa. Hệ thống thoát nước đô thị bao gồm các tuyến cấp I (cống chính hoặc kênh mương), tuyến cống cấp II (cống lưu vực) và cống cấp III (thu gom nước thải và nước mưa trực tiếp từ các đường phố và khu dân cư). Trên hệ thống thoát nước còn có các trạm bơm và hồ điều hoà. Hiện tại, lượng bùn thải tại các hệ thống thoát nước của thành phố do Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định chịu trách nhiệm thu gom.
Thu gom bùn thải dưới cống đường Bến Ngự (TP Nam Định).
Thu gom bùn thải dưới cống đường Bến Ngự (TP Nam Định).
Theo thống kê từ Cty, mỗi ngày đơn vị thu gom từ 300-500m 3 bùn thải từ các hệ thống thoát nước thải, từ hoạt động nạo vét định kỳ, ở các trạm, nhà máy xử lý cấp nước. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Cty cho biết: “Hiện tại, bùn thải tại thành phố được thu gom bằng 2 hình thức thủ công và cơ giới hóa bằng xe chuyên dụng. Đầu tháng 9-2015, Cty đã huy động toàn bộ nhân viên nạo vét thủ công 2.800 hố ga, cống ngầm, cống hộp các tuyến “điểm đen” về ngập lụt như Hàng Thao, Máy Tơ, chợ Cửa Trường, Trần Đăng Ninh, Hà Huy Tập…; tổ chức hút bùn bằng xe cơ giới tại các tuyến Trần Phú, Điện Biên, Trần Khánh Dư; nạo vét 10,2km kênh mương đến các trạm bơm Quán Chuột, Kênh Gia. Đồng thời bảo vệ và quản lý tốt bãi đổ bùn tại xã Nam Vân, tránh lấn chiếm vi phạm. Bãi đổ bùn có diện tích 3,6ha được thành phố xây dựng từ năm 2008, hiện tại vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu chôn lấp của thành phố. Nhờ thế, Thành phố Nam Định đã từng bước khắc phục và xử lý tốt các “điểm đen” về ngập lụt và được Hiệp hội đô thị Việt Nam đánh giá là một trong những đô thị có hệ thống cấp và thoát nước tốt nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài lượng bùn thải phát sinh trong hệ thống cống rãnh thoát nước do các đơn vị Nhà nước quản lý được thu gom, việc xử lý lượng bùn thải phát sinh từ các hộ gia đình vẫn còn buông lỏng. Tại thành phố, hiện các hộ dân thường sử dụng công trình vệ sinh tại chỗ là loại bể tự hoại; nước thải xả thẳng ra các mương, cống; bùn cặn thường được thông hút, thu gom vận chuyển đi chôn lấp. Đa phần các hộ dân đều thuê các đơn vị tư nhân chuyên dịch vụ về môi trường thông hút, thu gom. Theo các cơ quan chức năng, các đơn vị tư nhân chuyên làm dịch vụ về môi trường không đăng ký hay thuê bãi chôn lấp bùn thải mà thường đổ lén bùn thải ở các khu vực hẻo lánh xa thành phố, dân cư thưa thớt, nhằm giảm chi phí xử lý bùn thải, tránh bị phát giác. Các loại bùn thải này nếu không được xử lý đúng quy trình kỹ thuật, công nghệ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mùi hôi, các chất kim loại nặng lắng đọng, tồn dư trong bùn thải. 
 
Theo Sở Xây dựng, hiện tại thành phố vẫn chưa lập được quy hoạch thoát nước và quy hoạch xử lý chất thải. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị tư nhân kinh doanh dịch vụ thu gom bùn thải còn buông lỏng dẫn đến khó khăn trong kiểm soát, quản lý và xử lý bùn thải đô thị. Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6-8-2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải đã có quy định chi tiết về quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước; quản lý bùn thải từ bể tự hoại cũng như các quy định về tái sử dụng bùn thải. Các bộ: TN và MT, Xây dựng cũng đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong đó có các quy định về bùn thải, bãi chôn lấp… Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn thiếu để thực thi hiệu quả như: cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải; các quy chuẩn kỹ thuật liên quan trực tiếp đến bùn thải (kể cả sản phẩm được sản xuất, tái sử dụng bùn thải…); các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ....; các chỉ tiêu và các định mức kinh tế, kỹ thuật cho thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải; các vấn đề liên quan đến đầu tư, tài chính (giá xử lý, chi phí quản lý, khai thác, vận hành…). Vì thế, thời gian tới, nhằm quản lý hiệu quả việc xử lý bùn thải đô thị, thành phố cần chủ động phối hợp với các sở, ngành rà soát, bổ sung nội dung quản lý bùn thải trong các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đặc biệt trong quy hoạch thoát nước; quy hoạch xử lý chất thải rắn. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm trạm xử lý nước thải tại 2 trạm bơm Kênh Gia và Quán Chuột, trong đó có quy định rõ về quy trình xử lý bùn thải, công nghệ xử lý bùn thải hướng tới giảm tối đa việc chôn lấp, kết hợp yếu tố môi trường và kinh tế (tái sử dụng bùn thải) để đưa ra các công nghệ thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ các đơn vị chuyên kinh doanh hoạt động dịch vụ môi trường. Trong đó yêu cầu minh bạch các phương thức xử lý và địa điểm đổ bùn thải để giám sát việc thực hiện, tránh nguy cơ tổn hại môi trường./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com