Vẫn nhức nhối nạn bói toán

09:09, 04/09/2015
Cùng với bước phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao nên nạn mê tín dị đoan đã từng bước được đẩy lùi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động bói toán vẫn âm thầm diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Nhiều người đến xem bói bị các “ông thầy”, “bà thầy” hành “nghề” bói toán dẫn dắt vào “mê hồn trận” với những lời phán đã gặp phải tai ương, giá họa, hạn… và phải tốn công, tốn của cúng bái mới mong tránh được hậu hoạ
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng khu vực Thành phố Nam Định đã có khoảng chục “thầy” gọi hồn, bói bài tây, xem chỉ tay, tướng số… Tìm đến các điểm xem bói được giới thiệu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến tài “khua môi, múa mép” của các “thầy” này. Trong một lần hỏi đường vào nhà bà L khá “nổi tiếng” về xem bói bài Tây, một cụ bà nhà đầu ngõ nói thẳng “Xem bói à? Con L nó xem vớ vẩn ấy mà nhiều người cứ tin”. Nghe vậy nhưng chúng tôi cũng cứ vào nhà bà L để tìm hiểu rõ thực hư. Nhà khá hẹp, nơi bà L hành nghề ở trên tầng 2. Căn phòng như chật trội hơn bởi lúc này có đông người chờ đến lượt xem, chủ yếu là nữ giới. Đến lượt ai, người đó sẽ đặt tiền lễ lên bàn thờ với số tiền tuỳ tâm, từ 50 nghìn đến 100, 200 nghìn đồng rồi ngồi xuống đối diện bà L. Người xem sẽ cầm bộ bài tây 52 lá đảo rồi rút 9 lá bài nếu là nữ, rút 7 lá bài nếu là nam; sau đó bà L sẽ lật các lá bài. Tuỳ theo yêu cầu của người xem, bà sẽ “phán” về vận hạn, đường tình duyên, đường con cái, đường tài vận… Trong khoảng 2 giờ, có 10 trường hợp được bà L xem bằng cách dựa vào bộ bài tây hoặc một số sách như lịch vạn sự, tử vi lý số, bảng coi sao hạn… Điều đáng nói là cách “phán” của bà L là mạnh ai nấy “vẽ”. Cùng một việc hỏi làm sao để “giải” được tình trạng lục đục gia đình, có người khá giả thì bà L bảo phải rước thầy về giải hạn mới hết, còn nếu là công nhân, người lao động thì chỉ cần cúng chay cũng được. Theo tính nhẩm của chúng tôi, chỉ “dăm câu ba điều” nói huyên thuyên, trong một buổi sáng, bà L đã kiếm trên 1 triệu đồng. Cũng với phương thức bói bài tây nhưng người đến xem “cô” X ở một huyện ven biển phải chịu rất nhiều tốn phí. Nằm trong làng, điện thờ của “cô” được xây dựng khá nguy nga. Điện chính được xây to rộng là nơi tổ chức cúng bái, còn điện nhỏ hơn là nơi cô ngồi để xem cho khách. Được biết, ngày nào cũng có 10-20 khách đến xem, trong đó có đông người ngoài tỉnh cất công về đây nhờ “cô” “vẽ đường chỉ lối” để làm ăn, buôn bán phát đạt. Người muốn xem bói cũng đảo bộ bài tây rồi rút ra một số con bài để cô xem. Những người tinh ý, ngồi một lúc sẽ thấy, sau khi “cô” nói vòng vo một hồi đều sẽ “phán” rằng, hiện người xem đang mắc lỗi trong việc thờ cúng tổ tiên, long mạch bị động, việc cúng sao giải hạn chưa đúng… Đa số người đến xem đều trong tình trạng gia đình, bản thân có “chuyện” nên khi nghe lời “cô” đều tin, xin chỉ giúp. Lúc này “cô” sẽ giúp bằng cúng giải hạn, tuỳ từng việc mà chi phí cúng từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng. Người cúng không phải sắm bất cứ thứ gì, tất cả đều được “cô” và người nhà lo hết. Theo người nhà “cô” X, việc cúng sẽ diễn ra trong một ngày, buổi sáng có thầy đến làm lễ, buổi chiều “cô” sẽ trực tiếp hầu đồng. Vật cúng gồm có xôi, gà, trà, thuốc lá, các loại vàng tiền, ngựa giấy, voi giấy, hình nhân thế mạng.. Mặc dù rất đông khách, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì bà con lối xóm không ai tin về khả năng bói toán của “cô” X vì họ biết rõ “cô” từ bé. Nhiều người còn tỏ ra bức xúc khi hoạt động xem bói, cúng tế gây ồn ào, mất trật tự ở địa phương. Một chị hàng xóm của “cô” X cho biết thêm, mấy năm trước chị đi nước ngoài về có đến để xem và được “cô” phán chị sẽ chết trong năm vì vậy phải lễ giải hạn bằng cách “di cung hoán số”. Nghi ngờ “cô” X có ý định moi tiền của mình, chị đã không cúng. Đến nay đã 7 năm, chị vẫn sống khoẻ mạnh còn “cô” X bị người dân nơi đây “cạch mặt”. Ở những điểm xem bói khác mà chúng tôi được chứng kiến không khí đi xem bói của người dân rất nhộn nhịp, phải ngồi chờ rất lâu mới tới lượt. Điều đáng nói, với tài “hỏi” của các “thầy” nhiều người “không đánh mà khai” nên “thầy” tiếp tục theo đó mà phán, kèm theo câu hỏi “có đúng không” để dự đoán tình hình mà đưa ra những câu tiếp theo… Nhiều “thầy” mượn vai “thần thánh” hay đại diện người cõi âm doạ người nhẹ dạ để chi tiền mua sắm lễ cúng giải hạn…
 
Hoạt động mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì người có các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi nêu trên. Còn theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009 thì người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích  mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm, bị phạt tiền từ 3 đến 30 mươi triệu đồng… Mặc dù quy định của pháp luật khá nghiêm minh, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng hiện các điểm xem bói vẫn lén lút hoạt động. Ông tổ trưởng tổ dân phố nơi bà L hành nghề cho biết, nhiều lần đoàn kiểm tra của phường đến nhà bà L đề nghị bà bỏ nghề bói toán, tránh gây mất tình hình ANTT của địa phương. Sau mỗi lần nhắc nhở, bà L đều chấp hành. Tuy nhiên chỉ vài tuần rồi hoạt động bói toán lại tiếp diễn. Hỏi thì bà lý luận “Người ta đến xem chứ tôi có mời họ đâu?”. Còn theo một bác gần điện của “cô” X, cán bộ xã ngại va chạm bởi đều là người thân quen, họ hàng. Hơn nữa, “cô” luôn tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo của địa phương nên chính quyền làm không quyết liệt(?) Để loại trừ tệ nạn bói toán, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp hành nghề bói toán, mê tín dị đoan, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nếp sống văn hóa, không tiếp tay cho các hoạt động mê tín dị đoan phát triển./.
 
Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com