Thiết thực hành động vì môi trường nông thôn bền vững

08:09, 15/09/2015
“Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn” do Ốt-xtrây-li-a khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường LHQ phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Năm nay, tại Việt Nam, Bộ TN và MT đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch là “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác BVMT khu vực nông thôn.
Công nhân Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định cắt tỉa cây xanh tại công viên Vỵ Xuyên (TP Nam Định).
Công nhân Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định cắt tỉa cây xanh tại công viên Vỵ Xuyên (TP Nam Định).
Tại tỉnh ta, các hoạt động hướng đến mục tiêu vì môi trường nông thôn bền vững đã được tập trung thực hiện từ nhiều năm nay. Sở TN và MT đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn: Kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành các hệ thống xử lý rác thải tập trung, đảm bảo thực hiện đúng quy định. Bố trí, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Các xã, thị trấn đã thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt và vận động nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, giảm thiểu tình trạng thải rác bừa bãi ra môi trường công cộng. Chính quyền các cấp ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động BVMT, huy động mọi nguồn lực tham gia BVMT; hình thành nhiều mô hình tự quản về BVMT có sự tham gia của đông đảo người dân. Công tác BVMT được đưa vào nội dung hương ước, quy chế của thôn, xóm tạo chuyển biến tốt, cảnh quan nông thôn khang trang, sạch sẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được hạn chế. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 116 bãi chôn lấp, xử lý rác thải tập trung tại 111 xã, thị trấn; 74% số xã, thị trấn đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt. Tại các địa phương chưa có khu xử lý rác thải, Sở TN và MT chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch nơi chứa, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo quy định; yêu cầu thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo Hướng dẫn số 2275/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở. Các địa phương chỉ đạo cán bộ cơ sở các khu dân cư sống ven các tuyến đường tuyên truyền, vận động các hộ dân không tập kết rác thải, chất thải tại vỉa hè, lòng đường; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đổ trộm chất thải, rác thải trên hành lang ATGT đường bộ. Đặc biệt, để xử lý rác thải vùng nông thôn một cách triệt để, tỉnh chủ trương khuyến khích các địa phương tích cực đầu tư công nghệ lò đốt rác. Do chi phí đầu tư máy móc, công nghệ đốt rác của nước ngoài lớn, trên dưới 3 tỷ đồng/một lò đốt, quá khả năng của các địa phương nên tỉnh chủ trương sử dụng lò đốt rác sinh học LOSIHO do Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) sản xuất nhờ ưu điểm giá thành rẻ, chỉ khoảng 600-700 triệu đồng/máy. Lò đốt rác LOSIHO đã được thử nghiệm chất lượng tại các xã Hải Nam, Hải Hưng, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) và Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) và được Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Tổng cục Môi trường… kiểm định, đánh giá tiêu chuẩn hợp lệ của lò đốt rác. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO cho các xã đăng ký hoàn thiện xây dựng NTM trong năm 2015 và các xã đăng ký xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình xử lý rác thải.
 
Không chỉ quan tâm xử lý rác thải, công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ở vùng nông thôn cũng được quan tâm đẩy mạnh. Ngành NN và PTNT và các địa phương đã ưu tiên phát triển những mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường. Tranh thủ các chương trình, dự án để khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tổ chức các mô hình sản xuất thuận lợi trong việc kiểm soát sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Ngành đã hướng dẫn nông dân thực hiện “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến các quy trình tiêu chuẩn “sạch” an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi như VietGAP, Global GAP…, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, Sở NN và PTNT đã triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ trên toàn tỉnh với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thông qua việc mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học tái tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Phương thức này cho phép quản lý chất thải chăn nuôi tận dụng triệt để nguồn năng lượng khí gas phục vụ đời sống sinh hoạt như: đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm chuồng trại... Ngoài ra, người dân còn có thể sử dụng chất cặn bã lắng đọng sau khi phát khí ủ với phụ gia sinh học bằng công nghệ compost để làm phân bón cho cây trồng. Các chương trình giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất CN-TTCN làng nghề ở nông thôn cũng được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm đẩy mạnh như hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ga chứa nước thải, xây ống khói giảm thiểu bụi… tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực); xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường)… Đến nay tình hình ô nhiễm công nghiệp ở vùng nông thôn đã được tăng cường kiểm soát và từng bước cải thiện thông qua việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ khu dân cư vào các khu, CCN. Tại các khu, CCN đã đi vào hoạt động được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong các khu, CCN đạt 100%.
 
Để hưởng ứng “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2015, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức hoạt động cộng đồng như: lễ mít tinh hoặc các hoạt động thiết thực phù hợp với địa phương; treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc, khu vực đông người, diễu hành, cổ động BVMT. Đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước; phát động và duy trì các phong trào BVMT tại cơ sở như: Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi ni lông. Biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong BVMT vì sự phát triển bền vững, xây dựng NTM./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com