Tháo gỡ khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

08:09, 11/09/2015
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được thực hiện từ ngày 1-1-2008 theo Luật BHXH nhằm đảm bảo cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được quỹ BHXH chi trả lương hưu, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Trên thực tế, chính sách BHXH tự nguyện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của lực lượng lớn lao động, bởi quyền lợi của người lao động khi đủ điều kiện được hưởng rất lớn, nhất là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Bên cạnh đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng các quyền lợi khác như: Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ; người hưởng lương hưu được hưởng BHYT do quỹ BHXH tự nguyện đảm bảo; người vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc mà chưa hưởng BHXH cho từng thời gian thì được cộng nối để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Phương thức đóng cũng rất linh hoạt: Người lao động được lựa chọn đóng hằng tháng, hằng quý hoặc 6 tháng một lần. Theo nguyên tắc có đóng có hưởng và mức hưởng được tính toán trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có sự chia sẻ giữa những người tham gia nên chính sách BHXH tự nguyện đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Quỹ BHXH tự nguyện lại có sự bảo trợ của Nhà nước và được quản lý, sử dụng đúng mục đích theo Luật BHXH hiện hành đã tạo lòng tin đối với người lao động tham gia. Tuy nhiên, qua gần 8 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia vẫn còn quá thấp so với tiềm năng và tăng không đáng kể qua các năm. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian 20 năm đóng BHXH bắt buộc nên tiếp tục tham gia để đủ số năm được hưởng chế độ. Đến hết năm 2013, số lao động tham gia BHXH tự nguyện ở tỉnh ta mới đạt gần 2.600 người, đến hết năm 2014 là 3.238 người và đến hết tháng 7-2015 là 3.520 người. Nguyên nhân là do thu nhập của người lao động tự do còn thấp và không ổn định nên nhiều người không có khả năng tham gia hoặc chỉ tham gia với mức đóng thấp. Với mức đóng mà người dân đang lựa chọn phổ biến như hiện nay (hầu hết mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện từ bằng mức lương cơ sở là chính, dao động đến 2 triệu đồng), theo quy định của Luật BHXH thì khi đủ điều kiện nghỉ hưu, mức lương thấp dưới mức lương cơ sở rất nhiều, do không được điều chỉnh như đối tượng tham gia đủ 20 năm BHXH bắt buộc nên ảnh hưởng đến việc lựa chọn tham gia của người dân. Quy định thời gian được hưởng chế độ BHXH lại quá dài trong khi người lao động tự do thu nhập bấp bênh cũng khiến nhiều người không đủ sức theo nên thay vì tham gia BHXH tự nguyện, họ tiết kiệm bằng hình thức gửi ngân hàng. Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện còn phức tạp, chất lượng cung cấp dịch vụ công của một số cơ quan chưa tốt, gây khó khăn trong quá trình xin giấy chứng nhận, làm giấy tờ thủ tục, cản trở người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục. Hiện nay, mức đóng hằng tháng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện vẫn là cao. So với người tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được chủ sử dụng lao động đóng cho 2/3 tổng mức đóng BHXH hằng tháng thì người tham gia BHXH tự nguyện vẫn phải tự đóng hoàn toàn. Vì vậy, để phát triển nhanh số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, trước hết Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng góp cho họ, nhất là lao động thuộc vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh các chế độ hưu trí và tử tuất, ngành BHXH cũng nên triển khai thêm các chế độ ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp để người lao động thấy rõ lợi ích trước mắt và lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện. Bởi lẽ, chế độ hưu trí và tử tuất tuy ưu việt nhưng quyền lợi mà BHXH mang lại cho họ còn khá lâu sau mới nhận được, ít nhất là 20 năm sau khi đóng góp trong khi tâm lý phần lớn người lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện thường hướng đến lợi ích trước mắt. Chị Dương Thị Nhuần, trú tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), hiện đang làm thợ may cho biết: “Không ít lao động tự do như tôi đã so sánh và quyết định không tham gia BHXH tự nguyện vì thấy người tham gia BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ được Nhà nước hỗ trợ đóng góp trong khi người tự nguyện đóng chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất”. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện cần được BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm và sự cần thiết phải tham gia. BHXH tỉnh cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện giao dịch theo quy trình “một cửa”, nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động./.
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com