Quan tâm công tác bảo tồn cây di sản

09:09, 07/09/2015
Từ 5 năm trở lại đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) triển khai hoạt động vinh danh “Cây di sản Việt Nam” nhằm bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với tự nhiên, môi trường, đồng thời quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng và giá trị khoa học cao của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tạo nguồn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Tỉnh ta có 8 cây cổ thụ được VACNE, Trung ương Hội Sinh vật cảnh vinh danh, gồm: Cây dã hương, xã Yên Nhân (Ý Yên), 2 cây muỗm tại khu di tích Đền Trần - chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), 2 cây hoa đại tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) và 5 cây đại thụ (đa, sanh) xã Hải Bắc (Hải Hậu). Mỗi cây di sản được vinh danh là niềm tự hào của người dân địa phương về bề dày truyền thống văn hóa của đất và người Nam Định cũng như công lao bảo vệ gìn giữ cây. Tuy nhiên do có tuổi đời quá cao từ 200-800 năm nên từ nhiều năm nay, hầu hết các cây di sản trên địa bàn đều đã “lão hóa” và xuất hiện sâu bệnh, mối mọt, ký sinh trùng gây hại cho sự tồn tại của cây... Để gìn giữ cây di sản trường tồn mãi với thời gian, Sở KH và CN đã phối hợp với các viện chuyên ngành của Trung ương tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp phục hồi, trị bệnh và chăm bón cây di sản. 
Người dân thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân (Ý Yên) chăm sóc cây dã hương cổ thụ theo phương pháp kỹ thuật do Sở KH và CN chuyển giao.
Người dân thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân (Ý Yên) chăm sóc cây dã hương cổ thụ theo phương pháp kỹ thuật do Sở KH và CN chuyển giao.
Công trình nghiên cứu phục hồi cây dã hương tại xã Yên Nhân được coi là bước khởi đầu thành công cho công tác bảo tồn cây di sản của Sở KH và CN. Đến thời điểm được vinh danh, cây dã hương đại thụ đã có hơn 500 năm tuổi, có nguy cơ hư hại do thời tiết, ký sinh trùng gây bệnh. Từ tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Nhân và huyện Ý Yên, Sở KH và CN thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn bền vững cây gỗ đại thụ thôn Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên”. Trung tâm Đa dạng sinh học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) được lựa chọn là đơn vị nghiên cứu phương án bảo vệ cây di sản. Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã huy động các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, môi trường, bảo vệ thực vật từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu thuộc các vụ, viện chuyên ngành của các bộ: KH và CN, NN và PTNT, TN và MT tham gia nghiên cứu. Sau 2 năm nhóm nghiên cứu đã xác định được tuổi sinh học, tình trạng “sức khỏe” của cây và biện pháp khắc phục. Theo đó, cây dã hương bị thiếu dinh dưỡng và rệp sáp gây hại. Để bảo vệ nguồn gen quý, các nhà khoa học tiếp tục khảo sát môi trường tự nhiên và sinh vật liên quan đến quá trình sinh trưởng, phát triển; phân tích tổng quan giá trị nguồn gen của cây dã hương và đề xuất các giải pháp bảo vệ cây đại thụ quý hiếm này. Việc bảo vệ cây bao gồm các công đoạn: bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân bón gốc; bổ sung một số loại thiên địch như giun đỏ, giun khoang, giun quắn để cải tạo đất; thả 4 loại lưỡng cư và bò sát là cóc, nhái, chẫu chuộc, thạch sùng đuôi sần với mật độ từ 15-20 con/m 2 để chúng ăn các nhóm sâu bọ gây hại cho cây đại thụ. Đồng thời đề xuất sử dụng một số nhóm thuốc trừ rệp sáp, mối hữu hiệu và hoàn thiện quy trình chăm bón, phòng trừ mối mọt, rệp sáp theo định kỳ và khi có tình trạng đột biến xảy ra... Ngay sau khi áp dụng các biện pháp do nhóm nghiên cứu đưa ra, cây dã hương đã xanh tốt trở lại. Ngoài ra, để bảo vệ bền vững cây dã hương cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục tầm quan trọng và ý nghĩa của cây đại thụ; đưa quy định bảo vệ cây vào hương ước làng xã... Công trình đã được bàn giao toàn bộ cho UBND huyện Ý Yên và xã Yên Nhân để tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ cây dã hương. Từ thành công này Sở KH và CN tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây cổ thụ tại khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - chùa Tháp, Thành phố Nam Định” do các đơn vị: Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện. Qua điều tra nhóm nghiên cứu đã xác định được 26 loài sinh vật hại cây, trong đó có các đối tượng sâu, bệnh gây hại chính là: đốm lá, thán thư, mối, sâu róm, bọ trĩ. Ngay sau khi xác định rõ thực trạng cây di sản, nhóm nghiên cứu đã chỉ định các loại thuốc điều trị đối với từng loại cây vào từng thời điểm cũng như việc tái tạo đất, bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng cho cây phát triển và hạn chế các yếu tố tác động gây hại cho cây. Với kỹ thuật chăm bón phù hợp, 2 cây muỗm đại thụ có tuổi đời trên 300 năm và quần thể thực vật tại khu di tích lịch sử Đền Trần - chùa Tháp phục hồi xanh tốt, khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ, đảm bảo cảnh quan môi trường đáp ứng nhu cầu tình cảm, tín ngưỡng của người dân địa phương đối với di tích.  
 
Quan tâm chăm sóc cho cây di sản sau khi vinh danh là nhiệm vụ không đơn giản đối với chính quyền và nhân dân địa phương do các đòi hỏi mang tính khoa học chuyên môn. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng tập trung nghiên cứu điều kiện sinh lý và sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng từng vùng cũng như nguyên nhân xuất hiện các loại sâu hại để có biện pháp khắc phục bảo vệ cây. Ngoài ra cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo giục, phổ biến quy định liên quan, các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ cây cho đại diện các đoàn thể và chính quyền, ban quản lý di tích và người dân địa phương để bảo tồn cây di sản một cách hiệu quả nhất./. 
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com