Toàn tỉnh có 266 trường mầm non, 292 trường tiểu học, 246 trường THCS, 55 trường THPT. Từ nhiều năm nay, các trường học trong tỉnh duy trì việc phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch bệnh như cúm AH1N1, cúm AH5N1, dịch tay - chân - miệng, rubella, dịch sởi, dịch cúm, sốt xuất huyết… cho học sinh. Ngay từ những ngày đầu năm học mới 2015-2016, các trường học trong tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh có diễn biến phức tạp như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết trong nhà trường.
Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu) có 15 lớp với tổng số 390 học sinh. Ngoài việc triển khai kế hoạch dạy và học, nhà trường đã tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như dọn dẹp vệ sinh trường lớp, tẩy trùng các thiết bị đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn; dán, phát các tài liệu về phòng ngừa dịch bệnh tại các góc lớp, các bảng tuyên truyền ở các lớp và tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh học sinh về các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Tại Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định), cùng với việc tổ chức quán triệt cho giáo viên về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tốt đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ em, việc chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng được nhà trường luôn quan tâm để trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh được các căn bệnh lây nhiễm. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại bảng tin của trường và tại các lớp về các dấu hiệu bệnh và cách xử lý khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng. Trong quá trình nuôi dạy trẻ ở trường, phụ huynh và giáo viên thường xuyên có sự phối hợp theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, đảm bảo các yếu tố vệ sinh, dinh dưỡng để tạo sức đề kháng, hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh…
Trường Mầm non xã Nam Dương (Nam Trực) luôn cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo VSATTP để phục vụ các cháu. |
Năm học mới bắt đầu cũng là thời điểm chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh. Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, một số dịch bệnh đang có nguy cơ lây nhiễm trong học sinh vào mùa khai trường năm nay như: bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, bệnh cúm, Ebola, MERS-CoV... Bệnh sốt xuất huyết thường có số mắc cao vào các tháng 7, 8, 9, 10 hằng năm. Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút đường ruột gây ra; dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra, các dịch bệnh như cúm, Ebola, MERS-CoV cũng có nguy cơ bùng phát trong trường học nếu như không được dự phòng hiệu quả… Để phòng bệnh trong trường học, Sở Y tế đang phối hợp Sở GD và ĐT tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, học sinh. Hằng tuần, các nhà trường kiểm tra những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học, thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; theo dõi chặt chẽ sức khỏe của học sinh. Để phòng bệnh tay - chân - miệng trong trường học, các nhà trường phối hợp với các cơ sở y tế địa phương vận động phụ huynh học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại gia đình... Các trường mầm non thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa sạch tay với xà phòng và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh... Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các trường hợp học sinh mắc bệnh được nghỉ học, không đến trường, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...
Để công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học hiệu quả, Sở GD và ĐT đã có công văn yêu cầu Phòng GD và ĐT, các trường học chú trọng việc theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hằng ngày tại trường học; khi có các trường hợp biểu hiện bất thường về sức khoẻ thì cách ly ngay để theo dõi, thông tin thường xuyên về sức khỏe với gia đình học sinh. Sở GD và ĐT cũng yêu cầu Phòng GD và ĐT và hiệu trưởng các trường triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết…; đặc biệt, ở khối mầm non, các trường khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt tại tất cả nhà trẻ, mẫu giáo vào ngày cuối tuần để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc. Ngoài ra, các trường học cũng tổ chức vệ sinh môi trường; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo sức khỏe cho học sinh… Ngoài ra, các trường tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, VSATTP; phòng tránh tai nạn thương tích, tác hại của thuốc lá, lạm dụng rượu, bia; đặc biệt đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và phụ gia thực phẩm theo đúng quy định, không để xảy ra các hiện tượng ngộ độc thực phẩm...
Bài và ảnh: Minh Thuận