Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới

10:09, 24/09/2015
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Nghị quyết 26 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân bám sát 19 tiêu chí trong xây dựng NTM, cụ thể hóa thành chương trình hành động, lựa chọn những việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế hoạt động ở từng cấp Hội. 
 
Theo đó, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, HND các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM và xác định đó chính là điểm nhấn, là bước đột phá quan trọng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng, là điều kiện thuận lợi để các cấp Hội và hội viên nông dân thể hiện được vai trò trung tâm và nòng cốt trong xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, HND các cấp đã trực tiếp tổ chức tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho 1.245 cán bộ Hội từ cấp huyện đến cơ sở, tổ chức 215 buổi tuyên truyền tại xã cho 26.536 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên mục “Nông dân Nam Định với nông thôn đổi mới”; phối hợp với Báo Nam Định xây dựng chuyên trang về hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức HND trong tham gia xây dựng NTM thông qua việc vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường giao thông và nội đồng, chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; tham gia đóng góp ngày công, đối ứng kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Kết quả trong những năm qua, HND các cấp đã vận động được 1.085 hộ hiến 230 nghìn m 2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công lao động; nạo vét, kiên cố 250km kênh mương. Vận động nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải. Bên cạnh đó, HND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình điểm về xây dựng NTM như: mô hình “hàng cây nông dân” ở HND huyện Trực Ninh; xây dựng tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải ở HND Thành phố Nam Định; chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh, sạch, đẹp, xây dựng gia đình NTM, xóm NTM ở HND huyện Hải Hậu; mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ở HND huyện Nam Trực; tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở huyện Nghĩa Hưng; tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường ở huyện Vụ Bản… 
 
Xây dựng kênh mương tưới tiêu ở xã Nam Thanh (Nam Trực) tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng kênh mương tưới tiêu ở xã Nam Thanh (Nam Trực) tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp.
Cùng với phong trào thi đua xây dựng NTM, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó phát huy được các nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM. HND tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình phối hợp về tín dụng ngân hàng, cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, giúp nông dân có điều kiện mở rộng quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu và giảm nghèo bền vững. 5 năm qua, các cấp HND đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT cho vay với số tiền dư nợ trên 3.219 tỷ đồng, tăng 2.117 tỷ đồng so với năm 2010; phối hợp Ngân hàng CSXH cho vay 768,368 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng so với năm 2010; quản lý và điều hành 17,644 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, tăng 11,037 tỷ đồng so với năm 2010, tạo điều kiện cho 1.523 hộ nông dân vay để thực hiện 207 dự án. Bên cạnh đó, HND các cấp đã tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật; tổ chức hoạt động dịch vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức đào tạo nghề cho nông dân, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm. Trong 5 năm, từ năm 2010 đến năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức được 950 lớp đào tạo nghề cho 32.169 lao động nông thôn. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức được 70 lớp cho 2.280 lao động nông thôn; 85% số lao động sau đào tạo có việc làm và thu nhập từ 1,8-4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó nhiều hộ nông dân đã kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, mạnh dạn áp dụng thành tựu khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, góp phần thực hiện chủ trương, giải pháp của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và mô hình cánh đồng mẫu lớn. Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, số lượng hội viên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại các địa phương. Đến nay, trong 96 xã làm điểm đợt I giai đoạn 2010-2015 đã có 74 xã đạt chuẩn, 22 xã cơ bản đạt chuẩn. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Hải Hậu là huyện NTM.
 
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng tỉnh NTM vào năm 2020 với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về nội dung, lợi ích, sự cần thiết, những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng NTM. Tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham quan, học tập một số mô hình, cách làm hay ở các địa phương khác để trên cơ sở đó lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp điều kiện thực tế của Hội. Vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện quy hoạch NTM, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp nông dân chủ động hơn trong việc lựa chọn các hình thức sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương. Phối hợp với ngành Nông nghiệp vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển giao tiến bộ KHKT, cơ giới hoá các khâu sản xuất, phát triển và khôi phục các làng nghề. Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tín chấp vay vốn, vật tư trả chậm cho nông dân, lồng ghép một số chương trình, dự án của Trung ương Hội với nguồn lực của địa phương để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững. Vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao ở nông thôn. Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng NTM, Hội xác định lựa chọn một số công việc phù hợp để đăng ký triển khai thực hiện như: Xây dựng mô hình thu gom rác thải do Hội trực tiếp quản lý; chỉnh trang khuôn viên gia đình nông dân xanh - sạch - đẹp; xây dựng mô hình “Tổ hợp tác nông dân” trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của thôn, xóm về đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tai tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu... xây dựng gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, phấn đấu hằng năm có 80% số hộ đạt gia đình nông dân văn hoá./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com