Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng dạy và học, những năm qua ngành GD và ĐT tỉnh luôn duy trì phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong cán bộ, giáo viên. Sau mỗi năm học lại có thêm hàng nghìn SKKN ra đời, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học 2014-2015, toàn ngành đã có 500/755 SKKN của cán bộ, giáo viên được Hội đồng tư vấn khoa học của ngành đánh giá, xếp loại, trong đó có 8 đề tài được xếp loại xuất sắc, 70 đề tài được xếp loại tốt, 274 đề tài xếp loại khá và 148 đề tài xếp loại khuyến khích; 53 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định và công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Hiện nay việc xây dựng và áp dụng các phần mềm vào công tác đổi mới quản lý, giảng dạy được nhiều cán bộ, giáo viên quan tâm. Nhiều tác giả đã mạnh dạn thể nghiệm, đúc rút kinh nghiệm các mặt hoạt động của nhà trường, kể cả các vấn đề còn mới như quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tổ chức và quản lý lớp học theo mô hình trường học mới Việt Nam… Phong trào viết SKKN không chỉ lôi cuốn sự tham gia tích cực của các trường công lập mà còn thu hút sự tham gia của cán bộ, giáo viên các trường dân lập, tư thục trong tỉnh. Với việc coi trọng chất lượng SKKN và phổ biến áp dụng SKKN, tránh chạy theo số lượng, chạy theo tiêu chí đánh giá thi đua, ngành không đòi hỏi các sáng kiến phải như một đề tài nghiên cứu với những lập luận logic, khoa học, trừu tượng, mà yêu cầu SKKN là cái có thực, được tích lũy từ thực tế công việc. Đó có thể là một kinh nghiệm hay, một cách làm hiệu quả cần được nhân rộng; cũng có thể là một sự thất bại, để đồng nghiệp cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm. Vì vậy, nội dung, chất lượng của các SKKN đều thể hiện rõ sự sáng tạo, tâm huyết của người viết đối với các hoạt động giáo dục. Nhiều tác giả đã dày công sưu tầm, tập hợp tài liệu để dẫn chứng cho sáng kiến của mình, trở thành những tài liệu bổ ích cho hoạt động giáo dục của các nhà trường.
|
Một giờ học của thầy và trò Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu). |
Tuy nhiên phong trào viết SKKN của ngành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế không phải giáo viên nào cũng biết viết một bản SKKN thực sự mang tính lý luận, có cơ sở khoa học, có thể áp dụng trong quản lý và giảng dạy. Nhiều người có những kinh nghiệm tốt rút ra trong suốt cả một quá trình nhưng khi đặt bút viết, không biết phải viết theo trình tự như thế nào, cái gì viết trước, cái gì viết sau bởi không được hướng dẫn, không có nhiều kinh nghiệm trong việc viết một báo cáo khoa học về SKKN để người đọc cũng có thể hiểu được những gì mà người viết chuyển tải, trên cơ sở đó có thể áp dụng vào thực tế. Mặt khác, viết SKKN hiện đã trở thành một công việc bắt buộc trong hoạt động chuyên môn hằng năm của mỗi cán bộ, giáo viên nên nhiều người tìm cách để có được bản SKKN nộp “cho xong”. Việc sao chép SKKN của đồng nghiệp khác trường, chép trên mạng internet hoặc viết đại khái dựa trên một số kiến thức bộ môn phương pháp dạy học tiếp thu từ các lớp học bồi dưỡng cũng trở thành phổ biến trong một số giáo viên ở các trường học… Và hầu như những SKKN tham gia ở cấp trường đều được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá đạt yêu cầu theo mức xếp loại tốt, khá, trung bình. Như vậy, mỗi năm mỗi trường cũng có hàng chục SKKN được chất trong kho, chỉ có vài ba bản được chọn lựa để tham dự cấp cao hơn. Những sáng kiến được xếp loại cao thì việc nhân rộng, áp dụng trong thực tế cũng khó thực hiện. Ngoài ra ở cấp trường không ít cán bộ, giáo viên có tâm lý làm cho xong, do vậy nhiều bản sáng kiến không được đầu tư thời gian, công sức, dẫn đến chất lượng không cao. Bên cạnh đó, điều kiện giáo dục các vùng miền, các nhà trường và học sinh cũng khác nhau nên nhiều SKKN không có khả năng áp dụng vào thực tiễn rộng rãi vì khi thể nghiệm, các tác giả chỉ chú ý đến điều kiện nơi mình công tác mà chưa quan tâm đến điều kiện thực tế của đa số các trường học trên phạm vi toàn tỉnh.
Để SKKN đã được áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả thì việc phổ biến SKKN không chỉ dừng lại ở một phong trào. Ngành GD và ĐT cần có phương pháp đổi mới cách công nhận, xếp loại SKKN và có chế độ khuyến khích, động viên xứng đáng cho những người có SKKN chất lượng để người viết có động lực viết SKKN có chất lượng, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh