Nâng cao chất lượng đồng đều trong các cơ sở giáo dục

10:09, 24/09/2015
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban TVTU về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông, ngành GD và ĐT tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, hệ thống và quy mô trường, lớp học đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được mở rộng, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng giáo dục được ổn định và nâng cao.
Cô và trò Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) trong một giờ học.
Cô và trò Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) trong một giờ học.
Đối với giáo dục tiểu học, ngành đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chủng loại và chất lượng. Tập trung các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học, trong đó phấn đấu có đủ phòng học, phòng bộ môn… cho kế hoạch dạy - học 2 buổi/ngày, dạy - học môn ngoại ngữ. Đối với giáo dục trung học, việc củng cố mạng lưới trường, lớp theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao đã được thực hiện tốt. Ngành đã hoàn thành chuyển đổi loại hình trường THPT dân lập sang tư thục; củng cố, nâng cao chất lượng các trường công lập ở những vùng còn khó khăn và các trường THPT ngoài công lập. Tiếp tục củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX hiện có và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống các trường chuyên nghiệp trong tỉnh được củng cố và hoàn thiện, đồng thời tăng cường chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hằng năm, các trường tiểu học và các phòng GD và ĐT đã tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành, các đoàn thể làm tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Trong mỗi năm học, Sở GD và ĐT đều chỉ đạo các phòng GD và ĐT và các nhà trường THPT tăng cường kiểm tra, phân loại học sinh, từ đó có kế hoạch và giải pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu, kém. Trong các giờ dạy, giáo viên đã thiết kế bài giảng, hoạt động phù hợp với học sinh có năng lực tiếp thu khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến những học sinh có học lực yếu, kém. Vì vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém đã giảm đáng kể. Năm học 2014-2015, ở khối THPT chỉ còn 4,29% học sinh có học lực yếu, 0,11% học sinh có học lực kém. Ở khối THCS chỉ còn 4,35% học sinh có học lực yếu và 0,20% học sinh có học lực kém. Ở khối tiểu học có 0,37% học sinh chưa hoàn thành ở môn Tiếng Việt và 0,42% chưa hoàn thành ở môn Toán. Bên cạnh việc quan tâm, bồi dưỡng học sinh có học lực khá, giỏi và phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém, các phòng GD và ĐT, các nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác điều tra, tìm hiểu những học sinh bỏ học và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch vận động, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho các em có cơ hội đến trường. Các đơn vị phối hợp với các Hội Khuyến học, kêu gọi sự tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp để tạo nguồn kinh phí nhằm miễn giảm học phí, trao tặng học bổng cho học sinh để các em yên tâm tiếp tục theo học. Hiện tại, phần lớn học sinh các cấp học đều được học trong các phòng học kiên cố, cùng với thiết bị dạy học được Bộ GD và ĐT và ngân sách của tỉnh trang bị đồng bộ cho tất cả các trường theo chương trình đổi mới giáo dục đã đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ở các nhà trường. Ở tất cả các huyện, thành phố đều có trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ tương đối đồng đều, trong đó ở bậc học mầm non có 139 trường đạt chuẩn quốc gia, bậc tiểu học có 283 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 110 trường đạt chuẩn mức độ 2; bậc THCS có 150 trường và bậc THPT có 17 trường đạt chuẩn quốc gia. Học sinh ở các cấp học trong tỉnh được các nhà trường giáo dục bảo đảm theo nội dung chương trình quy định, nắm được các kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà như: tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại văn hóa trung bình trở lên, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT trong tỉnh đạt tỷ lệ cao. Trong đó, năm học 2014-2015, ở bậc tiểu học có 99,76% đạt về năng lực và 99,63% đạt về phẩm chất, tỷ lệ học sinh hoàn thành ở môn Tiếng Việt đạt 99,63%, hoàn thành ở môn Toán đạt 99,58%; ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt là 81,48%, hạnh kiểm khá là 15,93% và có 66,73% học sinh có học lực khá, giỏi; ở bậc THPT có 83,77% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, 13,12% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và có 68,88% học sinh có học lực khá, giỏi. 
 
Với những mục tiêu và giải pháp đồng bộ cùng sự quyết tâm của các cấp, các ngành và ngành GD và ĐT nhằm nâng cao chất lượng đồng đều trong GD và ĐT, thời gian tới, sự nghiệp GD và ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục có bước phát triển toàn diện và vững chắc./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com