Nam Vân - Ngày ấy , bây giờ

09:09, 02/09/2015
Trong không khí sôi nổi, phấn khởi kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi về xã Nam Vân (TP Nam Định), vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những tên đất, tên làng như: Địch Lễ, Vấn Khẩu, Thượng Hữu, Đồng Vân… đã in đậm dấu ấn của những hy sinh, gian khổ, ý chí kiên cường, anh dũng của cán bộ, nhân dân Nam Vân trong những năm tháng chiến đấu “bám đất, giữ làng”. Nam Vân cũng là quê hương của nhiều người con ưu tú, chiến sĩ cộng sản trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc, kiên trung của Đảng và Nhà nước; tiêu biểu là ba anh em ruột Lê Đức Thọ (tức Phan Đình Khải), Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống), Đinh Đức Thiện (tức Phan Đình Dinh).
 
Ông Phạm Đình Thiện, 88 tuổi, đảng viên 57 tuổi Đảng, ở thôn Địch Lễ không giấu nổi tự hào khi nói về lịch sử truyền thống của quê hương. Thôn Địch Lễ là nơi đầu tiên nhen nhóm phong trào cách mạng, nơi hoạt động của các hội quần chúng cứu quốc như: hội tương tế, hội ái hữu, hội hiếu, hội hỷ, hội kín, đoàn thanh niên dân chủ của xã… Đình Hồ Sen của thôn chính là nơi đơn vị du kích tập trung của xã được thành lập, để từ đó, địa bàn xã Nam Vân đã trở thành một căn cứ du kích mạnh ngay trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh ta còn đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Trong những ngày đầu thành lập Đảng (3-2-1930), nhiều người con quê hương Nam Vân được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên của Đảng. Trong những năm tháng ấy, lực lượng cách mạng ở quê nhà do đồng chí Phan Đình Khải lãnh đạo đã bất chấp những khó khăn gian khổ, từng bước nhen nhóm lên, từ một thôn lan ra khắp xã, khắp vùng. Những năm 1934-1935, trên địa bàn xã, nhiều tổ chức hội yêu nước, cách mạng đã được thành lập từ phong trào đấu tranh của nhân dân, thu hút hàng chục rồi hàng trăm người tham gia. Đó là tiền đề để trong 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, nhân dân Nam Vân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, xây dựng địa phương thành một căn cứ du kích vững mạnh ngay sát cơ quan đầu não của địch, lập nên những chiến công vang dội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dân quân du kích xã Nam Vân đã phối hợp với bộ đội và độc lập chiến đấu hơn 30 trận lớn nhỏ, phá 4 bốt dõng, tiêu diệt 35 tên địch, bắt sống hơn 30 tên, trong đó có tên đồn trưởng ác ôn ngay trong đồn giặc và 6 tên gián điệp vũ trang, phá nhiều ổ nhóm khác và trừng trị hai tên cầm đầu trên địa bàn xã. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nam Vân vừa sản xuất, vừa chiến đấu; nhiều phong trào “thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” được dấy lên mạnh mẽ; phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba giỏi” của phụ lão..., chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam. Trong những năm chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Nam Vân đã tiễn đưa gần 500 người con quê hương lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thanh niên không đủ điều kiện nhập ngũ cũng đã tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong phục vụ hoả tuyến, góp công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc... Với những đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, làng Địch Lễ đã được Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”; Đảng bộ và nhân dân xã Nam Vân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Hệ thống đường giao thông xã Nam Vân hôm nay được nhựa hóa, bê tông hóa.
Hệ thống đường giao thông xã Nam Vân hôm nay được nhựa hóa, bê tông hóa.
Về Nam Vân hôm nay sẽ cảm nhận được sự chuyển mình vững chắc của làng quê trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Con đường trục xã rộng, dài được trải nhựa phẳng lỳ, hệ thống đường, dong ngõ xóm đều được bê tông hóa sạch đẹp, phong quang, lắp điện chiếu sáng. Những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang san sát tạo nên bức tranh nông thôn Nam Vân đang đổi thay từng ngày trên con đường phát triển. Để tạo nên những đổi thay của quê hương, Đảng uỷ, UBND xã đã đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như đường điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, xã đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề, định hướng cho nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh để tăng thu nhập. Tổng diện tích canh tác của xã là 327,3ha, trong đó trồng lúa là 271ha, nuôi trồng thuỷ sản là 30,7ha, diện tích chuyển đổi trồng hoa, cây cảnh là 14ha. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm cũng đã có hướng phát triển nhân rộng tại các thôn, xóm. Do tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, số hộ khá và giàu trong xã tăng nhanh, hộ nghèo giảm, chỉ còn dưới 3%. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng bộ xã Nam Vân đã lãnh đạo, đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM. Cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM ở xã Nam Vân là: Lấy xóm, cụm dân cư, hộ dân làm hạt nhân và nòng cốt để xây dựng NTM. Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, dồn diện tích đất công để quy hoạch mở rộng đường giao thông. Tổng số nguồn đầu tư xây dựng NTM đến nay là 22,7 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 517 triệu đồng. Hệ thống các công trình phúc lợi: điện, đường, trường, trạm, nước sạch đã được đầu tư xây dựng, phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của người dân. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Cả 11 thôn, xóm trong xã đều xây dựng được NVH, khu vui chơi giải trí, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Ba trường học của xã gồm: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS đều đã xây dựng được cơ sở vật chất và hoàn thiện các tiêu chí chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, chợ được quy hoạch, xây dựng khang trang… Nam Vân hiện là đơn vị tiêu biểu của thành phố trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với 11 thôn, xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 90% số hộ được công nhận “Gia đình văn hoá”.
 
Với những định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, phát huy được nội lực của địa phương và tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, Đảng uỷ, UBND xã Nam Vân đã đoàn kết, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, tạo nên sự khởi sắc diện mạo ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com