Huyện Nam Trực hiện có trên 20 vạn dân, trong đó có 11,4 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 57% dân số. Để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
|
Cty TNHH Longyu Việt Nam, xã Tân Thịnh chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm cho trên 600 lao động. |
Đồng chí Hoàng Văn Quy, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện cho biết: Sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, kiện toàn Ban chỉ đạo dạy nghề của huyện. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các đoàn thể thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề. Huyện đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn và đối tượng thụ hưởng… Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác hướng dẫn người lao động lựa chọn và đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện của gia đình và khả năng của bản thân. Hằng năm huyện đều khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2014, huyện đã mở 26 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 837 lao động; trong đó 567 người học nghề phi nông nghiệp, 295 người học nghề nông nghiệp. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp (210 người), chăn nuôi gà, vịt (35 người), bảo vệ thực vật (70 người), nuôi thủy sản (30 người), chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh (70 người) và các lớp cắt gọt kim loại, sửa chữa máy vi tính… Năm 2015, huyện được giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 603 lao động theo Đề án 1956. Trong 9 tháng đầu năm, huyện đã mở 2 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 70 học viên. Bên cạnh đó, mỗi năm, huyện đều dành 120-150 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Từ các chương trình, đề án của các ngành, đoàn thể, mỗi năm, toàn huyện có hàng nghìn người được đào tạo nghề. Năm 2015, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho 3.145 lao động, Trung tâm dạy nghề huyện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phối hợp với UBND các xã, thị trấn đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hội viên, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động trong huyện đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua theo dõi, trên 80% số lao động qua đào tạo nghề có việc làm thường xuyên, với nguồn thu nhập ổn định. Phần lớn người lao động sau học nghề nông nghiệp đã áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất tại gia đình. Những người học nghề phi nông nghiệp đều được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài địa bàn huyện. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện nay đạt 38,5%, tăng 2% so với năm 2014. Nhờ có tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, hằng năm toàn huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 4,34%.
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, thu hút người lao động tích cực tham gia học nghề. Tăng cường khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp để người lao động sau khi học nghề có việc làm, đặc biệt là gắn với tiêu chí về xây dựng NTM nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, phát huy hơn nữa vai trò của người nông dân trong xây dựng NTM./.
Bài và ảnh:
Minh Tân