Phát huy kết quả đạt được trong phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) những năm trước, nhiệm kỳ 2010-2015, BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung quy hoạch phát triển GTNT theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết song hành với thực hiện chương trình xây dựng NTM, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về nhiệm vụ nên phong trào phát triển GTNT 5 năm qua đã đạt được bước tiến mới với việc hội tụ được nhiều nguồn lực đầu tư: từ nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các cấp ngân sách, vốn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhất là con em quê hương đã thành đạt ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài việc đóng góp bằng tiền hoặc đất của nhân dân.
|
Cơ sở hạ tầng giao thông xã Trực Thanh (Trực Ninh) được nâng cấp, mở rộng trong chương trình xây dựng NTM đáp ứng nhu cầu giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. |
Dự án GTNT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB3) đã đầu tư 31 tuyến đường với tổng chiều dài 82,78km, hoàn thành trong năm 2011. Các tuyến đường được đầu tư xây dựng đều đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân các địa phương. Nguồn hỗ trợ bình quân mỗi xã 8 tỷ đồng để xây dựng NTM của tỉnh giúp các địa phương có điều kiện chủ động đầu tư các công trình hạ tầng NTM, trong đó có GTNT. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả cao trong phát triển GTNT. Tại Nghĩa Hưng, do nhận thức về xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân được nâng lên nên việc triển khai thực hiện có nhiều sáng tạo và hiệu quả tích cực, đặc biệt là việc vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng, hiến đất mở rộng đường, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Chỉ trong 4 năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư 340 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 7/11 tuyến đường trục huyện với chiều dài 35/60,1km. Toàn huyện đã đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng 5/7 tuyến đường nối từ tỉnh lộ, đường huyện đến trung tâm các xã, thị trấn với tổng chiều dài 7,6/11km. Đầu tư 40,4 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường xã, liên xã theo chương trình WB và chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư 32,1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 102,3km đường liên thôn, đường thôn, xóm, góp phần nâng tổng số đường thôn, xóm đã đạt tiêu chí NTM 542,6/609,6km. Đầu tư 52,6 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 170,6km đường ra đồng, góp phần nâng tổng số đường ra đồng đã đạt tiêu chí NTM lên 141,2/432km. Tại huyện Nam Trực, tổng mức đầu tư đường huyện, xã và đường thôn xóm giai đoạn 2010-2014 gồm ngân sách Nhà nước 231 tỷ 706 triệu đồng, nhân dân đóng góp 60 tỷ 699 triệu đồng, huy động tài trợ được 2 tỷ 600 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 25km đường trục huyện, 6 tuyến đường xã, liên xã, chiều dài 35km và 130km đường thôn, xóm, liên thôn; đắp 90km nền và nâng cấp, cứng hóa 250km đường trục chính nội đồng. Trong đó chú trọng hoàn thành các công trình trọng điểm như đường Vàng được nâng cấp thành đường cấp IV đồng bằng, mặt đường bê tông nhựa; thi công cầu Cổ Ra và hoàn thành công trình cầu Cổ Chử đã kéo dài trong nhiều năm. Khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường Đen (đường 487) đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng; đường Hoa - Lợi - Hải, chiều dài 8,8km; đường Bình - Dương, chiều dài 5,1km, tiêu chuẩn cấp V đồng bằng. Hệ thống giao thông được cải tạo, nâng cấp đã góp phần tích cực vào việc làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện, tạo thuận lợi cho nhân dân trao đổi, mua bán hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, kích thích sản xuất công nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, đã tạo thuận lợi cho việc thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam; Cty TNHH LongYu Việt Nam tại xã Tân Thịnh; Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) đầu tư vào CCN Nam Hồng; Cty CP May Nam Định xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến; Cty TNHH Ánh Vàng xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu và doanh nghiệp may công nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhà máy may tại xã Đồng Sơn. Qua 5 năm phát triển GTNT theo hướng huy động bà con nhân dân cùng chung sức, huyện Ý Yên đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, bê tông hóa được 564km đường giao thông thôn, xóm; cứng hóa 135km đường nội đồng. Đường GTNT được cải tạo, mở rộng, kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn thực sự "đi trước một bước”, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công, nông nghiệp ở vùng nông thôn. Các làng nghề tiếp tục phát triển, mở rộng ngành nghề, phát triển nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện toàn huyện có 4.650 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đến năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 23,5%/năm. Giá trị sản xuất dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,2%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,2%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha canh tác đạt 93,7 triệu đồng…
Thực tế tại các địa phương đã khẳng định phong trào kết hợp sức dân để phát triển GTNT theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, phong trào phát triển GTNT đã lan tỏa trên toàn tỉnh. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động người dân góp 2.809ha đất nông nghiệp với tổng giá trị khoảng 5.618 tỷ đồng để chỉnh trang giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương; huy động các hộ dân góp 200ha đất thổ cư với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng làm đường giao thông thôn xóm, liên thôn, liên xã. Đến nay, 100% số xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã có đường ô tô đến tận trụ sở UBND, được láng nhựa hoặc đổ bê tông xi măng, đảm bảo đi lại thuận tiện. Ghi nhận những kết quả tiêu biểu, mới đây, Chính phủ đã tặng Bằng khen công nhận tỉnh có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015. Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng GTNT theo hướng đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông huyết mạch, thời gian tới, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền về nội dung, lợi ích của chương trình phát triển đường GTNT để làm chuyển biến nhận thức, thúc đẩy hành động của các ngành, các cấp và nhân dân. Tăng cường năng lực, nhân lực cho công tác quản lý GTNT. Huy động tổng lực các nguồn vốn nhân dân đóng góp, ngân sách các cấp; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, vốn của các tổ chức nước ngoài như WB, ADB. Về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển GTNT phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch GTVT trên địa bàn tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; phát triển GTNT một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn xã, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong năm 2015, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường GTNT của 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và các xã còn lại. Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường GTNT. Trong những năm tiếp theo phấn đấu đạt mục tiêu: 100% đường huyện, đường xã được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng hoá; đường huyện tối thiểu đạt cấp IV đồng bằng, đường xã tối thiểu đạt cấp VI đồng bằng. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Tối thiểu 70% đường thôn, xóm được cứng hoá, đạt loại A trở lên; 70% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy