Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông

04:09, 19/09/2015
Từ nhiều năm nay, các cấp học trong tỉnh, từ tiểu học đến THPT đều thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh theo quy định của Bộ GD và ĐT. Đội ngũ giáo viên cơ bản đã đủ về số lượng với 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo. Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2011-2020, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.
Các em học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) trong một giờ học môn Tiếng Anh.
Các em học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) trong một giờ học môn Tiếng Anh.
Để đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh, Sở GD và ĐT đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn Ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông, đồng thời tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, bảo đảm học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1, tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2, tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Ngành cũng phát triển đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2015, toàn ngành có 30% giáo viên dạy ngoại ngữ ở các cấp học có trình độ trên chuẩn và đạt 60% vào năm 2020, đến năm 2015, 60% giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học có trình độ năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD và ĐT và đạt 100% vào năm 2018. Trong những năm học vừa qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học theo kế hoạch của Bộ GD và ĐT. Đổi mới hình thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng giao tiếp của học sinh. Tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các lớp tập huấn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới của Bộ GD và ĐT. Xây dựng các diễn đàn trên internet và tổ chức các buổi hội thảo để giáo viên và học sinh trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập môn ngoại ngữ. Xây dựng và phát huy mạnh mẽ môi trường hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ như: tổ chức các cuộc giao lưu, thi Ô-lim-pích tiếng Anh, các CLB tiếng Anh trong các nhà trường nhằm phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói của học sinh. Ngành cũng đã có nhiều hình thức xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như: rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên các cấp học, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn đào tạo. Ngành đã cử giáo viên cốt cán của các trường tham dự các khóa tập huấn có chất lượng trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho giáo viên có thể tiếp cận với các chương trình giáo dục hiện đại, trao đổi kinh nghiệm dạy học; phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có khoảng 800 giáo viên đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT và tuyển chọn một số giáo viên đào tạo tại nước ngoài, đồng thời đào tạo giáo viên đạt trình độ trên chuẩn và giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Năm 2014, các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) và THPT A Hải Hậu được chọn xây dựng thành đơn vị điển hình về thực hiện đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ. Công tác tổ chức các hoạt động đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ tại các nhà trường được quan tâm đầu tư như: bổ sung học liệu, tài liệu, phần mềm dạy và học ngoại ngữ và các trang thiết bị cần thiết phù hợp với điều kiện đã có của nhà trường, đảm bảo phục vụ hiệu quả việc đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ. Ngành cũng đã triển khai thực hiện giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong các nhà trường, trước hết thực hiện ở 5 trường THPT đã được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao là: A Hải Hậu, Giao Thủy, Tống Văn Trân, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, trong đó mỗi trường cử ít nhất 1 giáo viên ở mỗi môn Toán, Lý, Hóa, Sinh tham gia giảng dạy. Ngoài ra Sở GD và ĐT khuyến khích cán bộ, giáo viên của các đơn vị khác tham gia giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Giáo viên tham gia dạy có thể chọn lựa các tiết dạy trong sách giáo khoa hoặc các chuyên đề tự chọn thuộc chương trình THPT và chọn đối tượng học sinh có năng lực tốt về môn Tiếng Anh. Việc xây dựng giáo án đều có sự phối hợp của các giáo viên trong tổ và tổ, nhóm Tiếng Anh của trường và tham khảo, chia sẻ với các đồng nghiệp ở các trường và địa phương khác có kinh nghiệm. Trước khi thực hiện giảng dạy, giáo viên phối hợp với giáo viên tiếng Anh cung cấp cho học sinh từ vựng, thuật ngữ và cấu trúc Tiếng Anh liên quan đến bài học để đạt hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã tổ chức nhiều cuộc thi Tiếng Anh trên mạng internet thu hút hàng nghìn học sinh trong tỉnh tham gia đã tạo nên những chuyển biến đáng kể trong cách học môn ngoại ngữ ở các nhà trường. Riêng năm học 2014-2015, cuộc thi Tiếng Anh qua internet toàn tỉnh, đã thu hút hàng trăm học sinh khối lớp 5, lớp 9 và lớp 11 tham gia, trong đó khối lớp 5 có 31 học sinh đoạt giải gồm 1 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 17 giải khuyến khích; khối lớp 9 có 35 học sinh dự thi đoạt giải, gồm 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng và 19 giải khuyến khích; lớp 11 có 26 học sinh đoạt giải gồm 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 15 giải khuyến khích. Trong cuộc thi tài năng tiếng Anh toàn quốc, toàn tỉnh có 5/6 học sinh dự thi đoạt giải với 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba. Ngành GD và ĐT cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục liên kết, hợp tác giảng dạy, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đủ trình độ ngoại ngữ làm giáo viên dạy ngoại ngữ trong các nhà trường, nhất là đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Vừa qua, Sở GD và ĐT đã phối hợp cùng Trung tâm ngoại ngữ E-connect và một số trung tâm ngoại ngữ khác tổ chức hội thảo “Hợp tác giảng dạy Tiếng Anh trong các trường phổ thông của tỉnh” nhằm nâng cao nhận thức của người quản lý giáo dục về tầm quan trọng của việc quản lý và học Tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đồng thời tìm hiểu những khó khăn, bất cập khi thực hiện liên kết đào tạo tiếng Anh có yếu tố nước ngoài tại các nhà trường. 
 
Với tổng kinh phí thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 224.920 triệu đồng, trong đó kinh phí giai đoạn 2011-2015 là 105.750 triệu đồng, nguồn kinh phí được cấp từ Đề án 1400/QĐ-TTg của Chính phủ (Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020) và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác, cộng với sự quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành và ngành GD và ĐT, chắc chắn việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh sớm đạt được mục tiêu đề ra./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com