Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp

08:09, 22/09/2015

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.735 doanh nghiệp, trong đó có 344 doanh nghiệp có tổ chức Đảng; 445 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Những năm qua, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững, Đảng uỷ, Ban giám đốc, Công đoàn các doanh nghiệp đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Lãnh đạo Cty CP May Nam Hà kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Lãnh đạo Cty CP May Nam Hà kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tại  các doanh nghiệp Nhà nước, cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các doanh nghiệp đã xây dựng quy chế hoạt động và thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm công khai khi xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về kế hoạch đầu tư sản xuất; quy chế tuyển dụng lao động, cho thôi việc, nghỉ việc, định mức lao động, khen thưởng, kỷ luật, công khai tài chính... Hình thức công khai được thực hiện thông qua việc thông báo bằng văn bản, qua các cuộc họp giao ban tháng, quý, qua hội nghị người lao động và qua phản ánh trực tiếp. Đảng uỷ, Ban giám đốc doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc các quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, lựa chọn đề bạt cán bộ chủ chốt theo quy định; lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của công nhân lao động. Việc thực hiện QCDC đã tạo ra sự đồng thuận, thống nhất giữa lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp, quyền làm chủ của người lao động được tôn trọng, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo trong cán bộ, CNVCLĐ, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cấp uỷ Đảng đã thống nhất với Ban giám đốc doanh nghiệp, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Ban Thanh tra nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, người lao động nhận thức đầy đủ hơn về mục đích ý nghĩa của QCDC trong doanh nghiệp và tự giác thực hiện. Thông qua triển khai thực hiện QCDC, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp được phát huy, sức mạnh tập thể được tăng cường góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như các doanh nghiệp: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Cty Điện lực Nam Định, Viễn thông Nam Định, Cty kinh doanh Than Hà Nam Ninh, Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định, Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Cty CP Quản lý đường sông số 5... Tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Đảng, việc thực hiện QCDC thông qua quy chế phối hợp giữa cấp uỷ Đảng với hội đồng quản trị và các đoàn thể; nhiều Cty TNHH và doanh nghiệp tư nhân đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở. Hằng năm, chủ doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức chức hội nghị người lao động; ký thoả ước với người lao động. Cấp uỷ Đảng cùng với chủ doanh nghiệp thống nhất, chia sẻ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, tập trung cho phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tại Cty CP May Nam Hà, việc thực hiện QCDC luôn được Đảng uỷ, Ban giám đốc Cty tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như: Tham gia hội đồng thi đua, khen thưởng, hội đồng xét nâng bậc lương, ban soạn thảo quy chế, quy định... Mọi băn khoăn vướng mắc của người lao động được phản ánh thông qua hộp thư góp ý, tại các buổi sinh hoạt, đối thoại và gọi điện trực tiếp thông qua đường dây nóng của giám đốc. Đảng uỷ đã chỉ đạo UBKT Đảng uỷ, UBKT công đoàn Cty thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra. Các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều được giải quyết thận trọng, đúng nguyên tắc, thông qua đó, ý kiến của cán bộ, công nhân lao động được giải quyết kịp thời. Nhiều năm qua, Cty không có đơn thư tố cáo hay khiếu kiện vượt cấp. Từ năm 2010 đến nay, giá trị sản xuất của Cty liên tục tăng trưởng trung bình 218%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 290%.

Việc thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt cơ chế điều hành sản xuất, kinh doanh, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chấn chỉnh kịp thời lề lối, tác phong làm việc trì trệ, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tăng cường đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp; phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, điều hành của giám đốc doanh nghiệp, tham gia quản lý của các tổ chức đoàn thể. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn, vươn lên làm ăn có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, đời sống, điều kiện làm việc của người lao động từng bước được cải thiện. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động được xem xét, giải quyết kịp thời, không để xảy ra đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hằng năm có gần 70% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; 63% doanh nghiệp tổ chức thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể; 80,2% doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương; 26,8% doanh nghiệp xây dựng được quy chế đối thoại định kỳ và 22% doanh nghiệp thành lập tổ đối thoại với người lao động ở nơi làm việc. Tuy nhiên việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập; chưa được thực hiện đồng đều, việc lấy ý kiến đóng góp của người lao động đối với các hoạt động của doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động của một số doanh nghiệp chưa tốt, chưa tạo đủ việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tình trạng nợ và chậm đóng bảo hiểm vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp. Vì vậy trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần tiếp tục phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện QCDC ở doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với công nhân lao động. Tiếp tục quán triệt và triển khai Kết luận số 96-KL/TW ngày 7-4-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”. Trong đó, quan tâm nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động, kịp thời giải quyết các phát sinh từ cơ sở; đảm bảo hài hoà lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết vì sự phát triển hài hòa, bền vững của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com