Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

07:09, 26/09/2015
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, phục vụ xây dựng NTM.
 
Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 24-6-2010 của Ban TVTU và Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án là đào tạo nghề cho 271 nghìn lao động ở cả 3 cấp trình độ. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đào tạo nghề cho 125 nghìn lao động. Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động. Trong đó, các ngành chức năng, các hội, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nội dung và mục tiêu của Đề án 1956, qua đó thu hút bà con nông dân tích cực, chủ động đăng ký tham gia học nghề. Ngành LĐ-TB và XH phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp, đăng ký học nghề, đồng thời xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với đặc thù của lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh đã phát triển 38 cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn các huyện, với quy mô đào tạo 30.200 người/năm, ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Trong 5 năm qua (2011-2015), từ các chương trình, dự án, các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ trên 80 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; bổ sung biên chế và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên đủ về số lượng và đạt chuẩn về chuyên môn với cơ cấu phù hợp; nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu học nghề của người học và yêu cầu của thị trường lao động, đồng thời gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động đối với từng nghề, Sở LĐ-TB và XH xây dựng, triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Các lớp đào tạo nghề cũng được tổ chức linh động, đưa về địa phương, cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho người lao động không phải đi xa và được tăng thời gian thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề. Qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 150.350 lao động, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 33.615 lao động nông thôn; lao động học nghề nông nghiệp chiếm 26,2%, lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm 73,8%. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp, điện dân dụng, mộc, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, sản xuất và chế biến nấm… Người lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, với mức thu nhập ổn định. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của tỉnh ta được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh ta đã tăng từ 31,5% (năm 2010) đến nay lên 40%. Đây là nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh. 
Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho gần 600 lao động.
Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho gần 600 lao động.
Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các huyện, thành phố đều đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề như quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM. Tiêu biểu như huyện Trực Ninh mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng; các huyện Nam Trực, Vụ Bản mỗi năm đầu tư khoảng 300 triệu đồng để tổ chức dạy nghề, đưa nghề mới về địa phương; truyền nghề, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn, thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Các địa phương đều quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động… Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành chức năng, các hội, đoàn thể đều tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn vay, nhất là các chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, đi xuất khẩu lao động với lãi suất ưu đãi… Nhờ những giải pháp hữu hiệu và sự vào cuộc của các cấp, ngành, những năm qua, công tác giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 150.700 lượt lao động (trong đó có 11.900 người đi lao động ở nước ngoài), bình quân mỗi năm tạo được 30 nghìn việc làm mới, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 9,9% năm 2010 đến nay còn 2,5% (tiêu chí mới). 
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70-75% tổng số lao động; phấn đấu hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lượt người, có khoảng 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để có việc làm, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu tổ chức đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người lao động có một nghề vững chắc, có việc làm ổn định và bền vững./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com