Phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, công tác của công nhân, viên chức, lao động

09:08, 24/08/2015
Liên đoàn lao động huyện Hải Hậu hiện đang quản lý 79 công đoàn cơ sở với tổng số trên 5.000 đoàn viên công đoàn. Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn huyện Hải Hậu triển khai thực hiện sâu rộng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia.
Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu) đảm bảo đủ cơ sở vật chất tạo điều kiện tốt nhất giúp trẻ học tập và vui chơi.
Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu) đảm bảo đủ cơ sở vật chất tạo điều kiện tốt nhất giúp trẻ học tập và vui chơi.
Để phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” phát huy hiệu quả thiết thực, LĐLĐ huyện chỉ đạo các công đoàn cơ sở cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm công việc của ngành, lĩnh vực. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền phát động thi đua hướng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiến bộ vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác. Trên lĩnh vực CN-TTCN, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo ATVSLĐ, tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh… được công nhân lao động tích cực hưởng ứng. Với các phong trào thi đua như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… của ngành GD và ĐT, đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý; chủ động đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dạy và học các bậc học tại địa phương. Trên lĩnh vực y tế, phong trào thi đua hướng vào mục tiêu thực hiện tốt 12 điều y đức của ngành, làm theo lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”; nghiên cứu khoa học, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế. Nhiều cán bộ đã tiếp cận được những phương pháp quản lý mới, nhiều bác sĩ đã tiếp cận và làm chủ được các phương tiện kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại, tạo được niềm tin với người bệnh. Khối cán bộ, công chức, viên chức, phong trào thi đua được gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” nhằm giúp cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua phong trào thi đua, đã động viên, khuyến khích CNVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, CNVCLĐ trong toàn huyện có trên 400 đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua tuyển chọn có tất cả 27 đề tài, sáng kiến có tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Điển hình như đồng chí Đỗ Văn Vận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hải Hậu. Công tác tại Trung tâm y tế huyện từ năm 1990 đến nay, đồng chí có khoảng 10 đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh cho nhân dân. Đầu năm 2015, sáng kiến “Cải tiến các hoạt động thực hiện chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện Hải Hậu” của đồng chí được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Qua quá trình công tác, đồng chí nhận thấy tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi của Hải Hậu cao hơn so với các huyện, thành phố trong tỉnh; trong khi địa phương có tiềm năng cung cấp nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tại chỗ. Nếu biết tận dụng nguồn thực phẩm tại địa phương, cân đối khẩu phần ăn cho trẻ hợp lý có thể phòng được SDD. Để khắc phục tình trạng trên, đồng chí đã tiến hành triển khai khảo sát và thực hiện các giải pháp mới nhằm giảm thiểu tình trạng SDD ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn như: hướng dẫn và xây dựng mô hình phát triển VAC vừa tạo nguồn thực phẩm đa dạng, an toàn cho trẻ vừa cải thiện kinh tế gia đình; hướng dẫn khẩu phần ăn hợp lý từ nguồn thực phẩm VAC thông qua truyền thông kết hợp với trình diễn nấu ăn cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống SDD trẻ em cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng; đa dạng hóa các hình thức truyền thông cho người dân về các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em; tập huấn kiến thức VSATTP cho 100% cô nuôi trẻ. Đến nay, sáng kiến này được triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện và thu lại những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD cân nặng giảm từ 21,5% (2007) xuống còn 13,4% (2014); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD chiều cao giảm từ 20,17% (năm 2010) xuống còn 15,69% (năm 2014). Hay như đồng chí Phạm Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Châu có sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục trong Trường Mầm non Hải Châu”. Sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2015 và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Với sáng kiến này, đồng chí Ngọc đã đẩy mạnh công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác xã hội hóa giáo dục đến toàn thể đoàn viên trong trường, các bậc phụ huynh và nhân dân trong xã bằng những hình thức phong phú, đa dạng như xây dựng góc tuyên truyền các lớp, bảng thông tin của nhà trường, viết bài chuyên đề về công tác xã hội hóa gửi cho các bậc phụ huynh…; tổ chức các hoạt động, chương trình “Ngày hội đến trường của bé”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tết Trung thu”… Các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”, “Bé khéo tay”, “Hội thi thời trang cho bé”… để vận động các bậc phụ huynh và cộng đồng cùng chung tay tham gia xây dựng phong trào giáo dục mầm non của xã như giúp nhà trường xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được học tập vui chơi. Huy động sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, cá nhân để tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều kiện cho việc dạy và học; tổ chức hội thi giáo viên giỏi, thi làm đồ chơi cho trẻ, hội thi dinh dưỡng… không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Với việc áp dụng những giải pháp trên, từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của cá nhân, tập thể với tổng kinh phí xây dựng gần 5 tỷ đồng xây dựng thêm 6 phòng học; đầy đủ các phòng chức năng, khu vực chơi và cải tạo lại khuôn viên với tổng diện tích gần 7.000m2. Với cơ sở vật chất đầy đủ, chất lượng giảng dạy được nâng cao, trường được công nhận trường chuẩn mức độ 2, đạt danh hiệu trường “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo ATVSLĐ”. Năm vừa qua, trường được Sở GD và ĐT chọn làm điểm tổ chức chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non; mô hình sân chơi nhà trường cũng được nhiều đơn vị trường trong và ngoài tỉnh về tham quan học tập…
 
Các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do tổ chức công đoàn các cấp trong huyện phát động đều có sức lan tỏa mạnh mẽ và có hiệu ứng tích cực đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Dung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com