Phát huy sức sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở Trực Ninh

09:08, 03/08/2015

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trực Ninh triển khai quyết liệt, đồng bộ; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện. Sau 4 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, kết cấu hạ tầng NTM được tăng cường, đến nay 6/7 xã xây dựng NTM của huyện đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiến tới hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020.

Trên cơ sở quy hoạch NTM đã được phê duyệt, huyện đã lựa chọn 7 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Đó là các xã có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển; an ninh trật tự ổn định gồm Trực Nội, Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Đại, Trực Hùng. Huyện xác định xây dựng NTM là phát huy nội lực, huy động nguồn lực từ cộng đồng, người dân xây dựng NTM, không ỷ lại trông chờ nguồn ngân sách Nhà nước. Các xã xây dựng NTM xác định rõ cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, quán triệt phương châm “làm từ ngoài đồng vào làng, làm từ xóm lên xã, xã lo xây dựng công trình chính của xã, các xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng công trình của thôn xóm, hộ gia đình lo cải tạo các công trình vệ sinh, ao, vườn, sân, ngõ, xây dựng nếp sống văn hóa, tăng cường tình làng nghĩa xóm, đảm bảo ổn định an ninh nông thôn”. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện. Huyện xác định hoàn thành sớm công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) coi đây là khâu đột phá thực hiện xây dựng NTM; đồng thời phát động phong trào cả huyện chung sức xây dựng NTM. Huyện xác định 4 mục tiêu của DĐĐT là dồn đổi ruộng để có được đất phục vụ quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn; vận động được gia đình, anh em, dòng họ vào cùng một xứ đồng để sau thực hiện DĐĐT mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa là cơ sở tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; và để quỹ đất công gọn vùng, phân định cụ thể đất công ích đất, đất dự trữ theo quy hoạch. Đến hết tháng 12-2013, toàn huyện đã hoàn thành công tác giao đất tại thực địa. Qua DĐĐT, quỹ đất công trên địa bàn toàn huyện đã được quy hoạch gọn vùng, giảm số thửa từ 3,51 thửa/hộ xuống 1,82 thửa/hộ (giảm 1,69 thửa/hộ); số hộ 1 thửa chiếm 42,5%, vận động nhân dân hiến trên 317,43ha đất để thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, đóng góp ngày công, kinh phí đào đắp 166km đường giao thông nội đồng cơ bản từ 3,5-5,5m, đạt tiêu chí NTM, trong đó cứng hóa được 70km mặt đường với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.

Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty TNHH Giày Amaru Việt Nam, CCN Thị trấn Cổ Lễ.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty TNHH Giày Amaru Việt Nam, CCN Thị trấn Cổ Lễ.

Sau DĐĐT, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tích cực các giải pháp phát triển sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, chú trọng đầu tư xây dựng vùng cây vụ đông có quy mô, hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, tăng hệ số sử dụng đất, khai thác tối đa tiềm năng đất đai địa phương. Kế hoạch phát triển cánh đồng mẫu lớn cả 3 vụ của UBND huyện được các xã tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 59 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.126ha, tổ chức gieo sạ 12 mô hình. Một số mô hình tại các xã NTM như: Trực Nội, Trực Đại, Việt Hùng, Trực Hùng cơ bản đạt các tiêu chí về quy mô, cơ sở hạ tầng, thực hiện cùng giống, cùng thời vụ, cùng quy trình kỹ thuật thâm canh, năng suất tăng từ 7-10% so với đại trà, giảm chi phí đầu tư từ 5-7% mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Cty TNHH Cường Tân ở xã Trực Hùng đã giúp tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa lớn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề tại địa phương và các xã lân cận như Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng chăn nuôi trang trại, gia trại. Toàn huyện có 572 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, trong đó có 18 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Toàn huyện đã chuyển đổi được 342ha sang nuôi trồng thủy sản với các vùng sản xuất tập trung tiêu biểu như Thị trấn Cổ Lễ, Trực Chính, Trực Đạo, Trực Khang, Trực Cường. Sản xuất nông nghiệp thủy sản dịch vụ tiếp tục phát triển đạt kết quả và tốc độ tăng trưởng khá, giá trị đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 506 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 1ha diện tích đất canh tác đạt 100 triệu đồng/năm. Tổ chức 143 lớp đào tạo nghề cho 4.740 lao động cho các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho các xã NTM. Đến nay, trên 90% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của toàn huyện đạt 54%. Thu nhập của người dân ở các địa phương nâng lên, tạo được nhiều việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Cơ cấu kinh tế toàn huyện chuyển dịch tích cực, trong đó nông nghiệp - thủy sản là 27,69%, công nghiệp - xây dựng là 39,68%, dịch vụ là 32,63%. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 31,1 triệu đồng/người/năm.

Cùng với kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; huyện đã huy động cao độ các nguồn lực của địa phương và đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng NTM ở 7 xã là 366 tỷ 822 triệu đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện hỗ trợ các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng NTM với tổng nguồn vốn đạt 22 tỷ 263 triệu đồng. Qua 4 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã triển khai nâng cấp và hoàn thiện hơn 54km đường trục xã, liên xã; 281km đường thôn xóm, cứng hóa được 68km đường trục chính nội đồng, đào đắp mở rộng được 400km đường nội đồng; cải tạo, nâng cấp 24 trường học các cấp, xây mới 1 trường học, xây mới 4 nhà văn hóa xã, 4 trạm y tế, 1 nhà máy nước, 11 bãi xử lý rác thải; xây mới, nâng cấp 3 khu thể thao xã, xây mới 10 nhà văn hóa thôn xóm. Không chỉ ở 7 xã xây dựng NTM, phong trào xây dựng NTM còn được triển khai thực hiện ở các xã khác. Tiêu biểu như các xã Trực Chính, Trực Phú, Trực Mỹ, Thị trấn Cát Thành đều đã chủ động rà soát các tiêu chí, xây dựng NTM bằng nguồn vốn nội lực của địa phương. Đến nay, xã Trực Phú đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí, xã Trực Mỹ là 12/19 tiêu chí, Trực Chính đạt 17/19 tiêu chí NTM. Các xã còn lại cơ bản đều tăng từ 3-5 tiêu chí.

Đánh giá về chương trình xây dựng NTM của huyện thời gian qua, đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xây dựng NTM là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, xây dựng NTM đã góp phần khơi dậy sức dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn”. Thời gian tới, huyện Trực Ninh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 củng cố và hoàn thiện hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt, đặc biệt là các tiêu chí về vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, giáo dục, tỷ lệ lao động qua đào tạo, y tế, bảo hiểm xã hội. Đối với các xã còn lại, xác định lộ trình thực hiện phù hợp, lựa chọn ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu hướng đến các tiêu chí cụ thể góp phần hoàn thành và tăng nhanh các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về NTM. Phấn đấu đến hết năm 2020, 80% số xã đạt tiêu chuẩn xã NTM./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com