Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển văn hóa nông thôn

07:08, 27/08/2015
Xác định nhiệm vụ xây dựng người nông dân trong thời kỳ mới gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa ở nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn”.
Làng văn hóa thôn Cầu Nhân, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).
Làng văn hóa thôn Cầu Nhân, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa HND Việt Nam với Bộ VH, TT và DL về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT và du lịch giai đoạn 2009-2014, năm 2010, HND tỉnh và Sở VH, TT và DL đã ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT và du lịch. Theo đó, để đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn”, HND các cấp đã chú trọng công tác tuyên truyền với những hình thức phong phú, sinh động như: Sinh hoạt chi, tổ hội nông dân, CLB nông dân với pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao nhận thức đạo đức, lối sống của hội viên nông dân; khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng ở khu vực nông thôn... Các cấp HND trong tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành VH, TT và DL để vận động hội viên, nông dân hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tổ chức các cuộc thi như: hội thi “Nhà nông đua tài”, liên hoan “Tiếng hát đồng quê”… Qua đó đã tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi, hiểu biết giữa cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình phối hợp hoạt động giữa HND và ngành VH, TT và DL, hai ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, TDTT cho cán bộ, hội viên nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn, in và phát hành sách, tài liệu về các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa NTM; các quy chế, quy ước nếp sống văn hóa, dàn dựng một số chương trình, tiểu phẩm sân khấu về xây dựng NTM phục vụ cán bộ nhân dân trong tỉnh; tổ chức giao lưu tuyên truyền “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, tuyên truyền về “Biển, đảo quê hương” thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Trong đó, chương trình nghệ thuật quần chúng của đội văn nghệ xã Hải Đường (Hải Hậu) tham gia hội thi với đề tài “Xây dựng NTM” toàn quốc đạt giải cao. Bên cạnh đó các cấp HND tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất NTM và các thiết chế văn hóa. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, các cấp HND trong tỉnh đã huy động hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công cùng các vật tư, tư liệu để xây mới và nâng cấp các cơ sở văn hóa, nhà truyền thống, điểm vui chơi, điểm sinh hoạt văn hóa... trên địa bàn nông thôn. Các cấp HND trong tỉnh đã hướng nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở nông thôn tới các mục tiêu xây dựng gia đình nông dân văn hoá “ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ”; xây dựng làng, xã văn hóa theo tiêu chuẩn: Gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ấm no, hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện KHHGĐ; đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững… Hiện nay, toàn tỉnh có 179/209 NVH cấp xã, đạt 78,1%; 1.774 NVH làng, thôn, xóm (đạt 48,2%) và 820 khu thể thao thôn, trong đó có 528 NVH và 86 khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH, TT và DL. Toàn tỉnh có 436.955 hộ gia đình văn hóa, 912 CLB gia đình văn hóa, trong đó có 293.386 hộ gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% làng (thôn, xóm), tổ dân phố đăng ký xây dựng đạt danh hiệu văn hóa; trong đó có 1.563 làng văn hóa, tổ văn hóa được UBND các huyện, thành phố cấp bằng công nhận, 334 làng văn hóa được UBND tỉnh cấp bằng công nhận và 2.031 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến. Có 720 đội văn nghệ quần chúng ở cấp xã; trong đó có 200 đội mạnh làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ ở cơ sở. Nhiều NVH được xây dựng khá khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi cho cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân.
 
Để tiếp tục nâng cao vai trò của HND các cấp trong việc tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn, thời gian tới, các cấp HND từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhiệm vụ phát triển văn hóa ở cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, tập trung đổi mới phương pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục giúp hội viên nông dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở… Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá - văn nghệ - thể thao; tổ chức các cuộc thi, liên hoan, gặp gỡ, tạo ra được những sân chơi bổ ích, lôi cuốn nhiều cán bộ, hội viên nông dân tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nông dân trong tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com