Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về y tế

09:08, 24/08/2015

Những năm qua, cùng với việc nỗ lực đổi mới trong việc hoạch định những dự thảo quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế; các đề án, chương trình phát triển y tế, cải cách hành chính và phân cấp quản lý, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế ở địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở Y tế luôn chú trọng công tác xây dựng và nâng cao quản lý Nhà nước về y tế bằng pháp luật; chú ý việc hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các luật, nghị định, thông tư, trong đó có nhiều luật quan trọng như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Pháp lệnh ATVSTP, Luật BHYT... Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra y tế; thực hiện xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình và các vấn đề khác về y tế sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Y tế tỉnh triển khai ngay từ đầu năm và có hiệu quả trên các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch sốt xuất huyết, dịch viêm não Nhật Bản, cúm A H7N9, sởi, bệnh tay - chân - miệng và các bệnh có vắc-xin phòng ngừa; khống chế không để dịch lớn xảy ra và tử vong do dịch. Qua công tác giám sát trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện 26 ca bệnh tay - chân - miệng tại 7 huyện; 2 ca viêm não vi-rút; 9 ca mắc ho gà tại 7 huyện; 5 ca sốt phát ban dạng sởi tại 3 huyện. Hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có diễn biến bất thường. Ngành đã tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng sởi - rubella đợt III cho trẻ từ 10-14 tuổi; kết quả tiêm đợt III đạt 99,09%, ghi nhận 170 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, không có tai biến xảy ra. Trong tháng 6-2015 ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi-rút corona (MERS-CoV). Trong đó đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế; phân công nhiệm vụ các thành viên xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV; tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác giám sát, phòng, chống và điều trị dịch bệnh MERS-CoV cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác giám sát phát hiện ca bệnh đầu tiên để có kế hoạch chống dịch và điều trị cách ly… Công tác vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, ước tính tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,3%, tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 72,4%, trong đó vùng nông thôn đạt tỷ lệ 70,5%.

Xét nghiệm sinh hóa phục vụ công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu.
Xét nghiệm sinh hóa phục vụ công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu.

Trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP… đều được thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, các dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng như: phòng, chống sốt xuất huyết; phòng, chống lao; phòng, chống sốt rét; phòng, chống phong; phòng, chống ung thư; phòng, chống đái tháo đường; phòng, chống tăng huyết áp; phòng bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính; tiêm chủng mở rộng… đều triển khai chủ động, đồng bộ các hoạt động, giảm tử vong. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 90% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm, đạt 47,5% kế hoạch cả năm 2015. Số trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm thuộc diện có vắc-xin phòng ngừa giảm rõ rệt. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, trong chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSTP; kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về ATVSTP đối với các tổ chức và cá nhân kinh doanh, dịch vụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Tổ chức xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm; cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiếp nhận và thẩm định nội dung chuyên môn đăng ký quảng cáo các sản phẩm thực phẩm theo phân cấp và theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn VSATTP đạt 80%, tỷ lệ người sản xuất thực phẩm thực hành đúng VSATTP đạt 66%. 

Trong công tác khám, chữa bệnh (KCB), ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 22-12-2011 của Ban TVTU về nâng cao chất lượng công tác KCB cho nhân dân. Các bệnh viện triển khai công tác KCB theo nhiệm vụ, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, tăng cường giáo dục y đức cho cán bộ, nhân viên. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ KCB thông qua đường dây nóng. Đảm bảo công tác KCB cho nhân dân trước, trong và sau các đợt nghỉ lễ dài ngày; bố trí các kíp trực 24/24 giờ, thu dung điều trị bệnh nhân trong dịp nghỉ lễ, tết kịp thời. Công tác chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, thực hiện xã hội hoá tại các bệnh viện phát triển tốt. Kết hợp y học hiện đại, y học cổ truyền trong KCB để bảo đảm tỷ lệ KCB bằng YHCT/tổng số KCB chung đạt 12-15% đối với tuyến tỉnh, huyện; trên 20% đối với tuyến xã. Ngoài ra, đối với các hoạt động chuyên ngành khác, ngành Y tế tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch xây dựng xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và hoạt động y tế cơ sở. Triển khai kế hoạch thanh tra trên các lĩnh vực mục tiêu hoạt động của ngành, hoàn thành chương trình công tác thanh tra đã được phê duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của các đơn vị trong ngành đúng luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp y tế của ngành trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại: Việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, khám, chẩn đoán, điều trị tại một số bệnh viện, khối y tế dự phòng, chuyên khoa còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, chất lượng các dịch vụ y tế. Công tác tuyển dụng, đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực chưa đáp ứng cơ cấu chủng loại và nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, nhất là tuyển dụng bác sĩ bổ sung cho các tuyến còn khó khăn. Mô hình y tế cơ sở hiện nay tuy đã thực hiện tốt nhiệm vụ y tế dự phòng, KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế thì một số đơn vị tuyến huyện sự phối kết hợp giữa các đơn vị chưa thực sự cao. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao, tỷ số giới tính khi sinh còn ở nhóm cao trong cả nước. Tỷ lệ bao phủ BHYT chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân vẫn còn hạn chế, một bộ phận dân cư chưa thay đổi những hành vi, phong tục, tập quán có hại cho sức khoẻ. Để khắc phục tồn tại, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tập trung các giải pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, trọng tâm là công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch. Tập trung lãnh đạo thực hiện đạt và vượt nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyên môn của 4 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng. Quán triệt và thực hiện các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động phù hợp với xu hướng phát triển của ngành, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực quản lý điều hành, quản lý kinh tế y tế trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ, các quy chế chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo và đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý y tế cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các đơn vị, chú trọng y tế cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên các lĩnh vực y tế như việc thực hiện các quy chế chuyên môn, các chế độ chính sách, công tác dược, các Chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý hành nghề y dược tư nhân…; những chủ trương, chính sách lớn trong quá trình triển khai thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá từng giai đoạn để rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn điều chỉnh, bổ sung công tác quản lý và điều hành./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com