Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở Nam Trực trong những năm qua đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động các nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
|
Nông thôn mới xã Điền Xá. |
Để đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH, năm 2012 Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở. Việc thực hiện nghị quyết được gắn với các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ở các địa phương trong huyện đã mang lại hiệu quả to lớn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trên cơ sở đó xây dựng con người có tư tưởng đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Toàn huyện có 215 thôn, xóm được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa"; có 304/397 thôn xây dựng quy ước theo tiêu chí về văn hóa NTM được UBND huyện phê duyệt. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện Nam Trực đã có nhiều giải pháp triển khai và cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh như: Kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện xuống cơ sở, ban vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của các xóm, thôn, tổ dân phố; hoàn chỉnh và bổ sung quy chế làm việc, phân công trách nhiệm, tổ chức tập huấn cho các thành viên ban chỉ đạo, cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở. Bên cạnh đó công tác xã hội hoá trong việc xây dựng, củng cố thiết chế văn hoá ở cơ sở bước đầu cũng đạt được kết quả. Đến nay, toàn huyện đã có 77% số gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" và 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu "Nếp sống văn hóa"; 100% các xã có bưu điện văn hóa; 100% xã, thị trấn có tủ sách pháp luật. 5 năm qua, nhân dân hiến và góp 243,69ha đất, toàn huyện huy động hơn 600 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, các công trình phục vụ an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Tính đến tháng 8-2015, trên địa bàn huyện có 357 công trình thiết chế văn hóa, công trình phục vụ an sinh xã hội được xây dựng với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng, tập trung vào các công trình: làm đường bê tông thôn, xóm 40,5km, đường nội đồng 8,5km, xây dựng nhà văn hóa (NVH), cổng làng và mua sắm các thiết chế NVH. Tiêu biểu là các địa phương như: Thị trấn Nam Giang, các xã: Đồng Sơn, Nam Thanh, Điền Xá... Xã Nam Hồng là đơn vị tiêu biểu của huyện Nam Trực, thời gian qua đã huy động sự đóng góp tích cực của người dân tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá trong xã. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí, ngày công xây mới 4 NVH các xóm với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, gồm NVH các xóm: Hồng Tiến, Hồng Đoàn, Đông Trung Thắng, Tiền Làng. Đến nay, xã có 14 NVH xóm đạt tiêu chuẩn của Bộ VH, TT và DL.
Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Nam Trực được gắn với phong trào xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương trong huyện chú trọng việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa hiện đại; từng bước phục dựng lại cổng làng, thôn, xóm; tôn tạo hệ thống đình, miếu, lăng, phủ, giếng nước và cảnh quan di tích thờ thần thành hoàng làng. Toàn huyện có 51 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Triển khai Nghị quyết 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá và công tác kiểm kê di tích góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, chống xâm hại di tích. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng được thực hiện tốt, Phòng VH-TT huyện thường xuyên hướng dẫn các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc tu sửa cấp thiết các di tích bị xuống cấp, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tu sửa trái phép không đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa. Xã Hồng Quang hiện có 5 đình làng, 6 ngôi miếu, đền thờ và hàng chục giếng nước, cây đa cổ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay xã đã tiến hành trùng tu hơn 30 hạng mục tại 7 di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng do nhân dân, con em địa phương và khách thập phương tiến cúng, đóng góp. Là một làng cổ, thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang có 2 ngôi đình: “Thanh Minh Từ” và “Cổ miếu” thờ Đức thánh đệ nhất Linh Ứng đại vương và Đức thánh đệ nhị Lê Kiên đại vương. Hiện nay, trong ngôi đình “Thanh Minh Từ” vẫn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có từ lâu đời như: Đôi cây quán tẩy bằng trúc, kiệu “Thượng long đình hạ bát cống”, kiệu võng, hai cỗ ngai, nhang án, câu đối, hoành phi, bức đại tự, đặc biệt là 4 sắc phong có từ thời nhà Nguyễn. Mặc dù chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân Bàn Thạch đã đóng góp kinh phí, ngày công tôn tạo, trùng tu đình làng và giếng làng và tôn tạo thủy đình với kinh phí hàng tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào của huyện sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định, công nhận lại, công nhận mới các danh hiệu văn hóa mới theo tiêu chuẩn, tiêu chí quy định trong Quyết định số 17 ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh. Kiểm tra, thẩm định, công nhận mới cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận lại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo Thông tư số 8-2014/TT-BVHTTDL ngày 24-9-2014 của Bộ VH, TT và DL. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu phong trào TDĐKXDĐSVH tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch, tạo quỹ đất, khuyến khích nhân dân tiến hành xây dựng NVH thôn, xóm, phấn đấu mỗi khu dân cư có một NVH theo tiêu chuẩn của Bộ VH, TT và DL./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng