Mỹ Lộc đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

09:08, 17/08/2015
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện Mỹ Lộc, trên địa bàn huyện hiện có 43.320 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số. Để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện Mỹ Lộc đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Cty CP Daum Jung An, xã Mỹ Hưng chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.
Cty CP Daum Jung An, xã Mỹ Hưng chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2014, thực hiện Quyết định 1956, huyện đã mở 12 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 392 lao động; trong đó có 257 lao động nữ, 86 người thuộc diện chính sách, hộ nghèo. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp (200 người), chăn nuôi gà, vịt (60 người), bảo vệ thực vật (70 người), nuôi thủy sản (30 người), chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh (30 người). Trong 7 tháng đầu năm 2015, huyện đã mở 2 lớp cho 70 học viên, gồm: 1 lớp kĩ thuật chăn nuôi gà, vịt; 1 lớp trồng cây lương thực, thực phẩm, mỗi lớp 35 người. Bên cạnh đó, hằng năm, huyện đều dành kinh phí 120-150 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Do hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện đã được cải thiện. Riêng với lao động học nghề may công nghiệp, theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, 96% số học viên sau khóa học vào làm việc tại các Cty, cơ sở may tại địa phương như Cty TNHH May Trường Phúc (xã Mỹ Thịnh), cơ sở may Trung Kiên (xã Mỹ Thịnh), Cty TNHH May Thu Nguyên (xã Mỹ Tiến)… qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỉ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay có gần 400 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng NN và PTNT, với dư nợ trên 10 tỉ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả trên, trung bình mỗi năm, huyện Mỹ Lộc đã tạo thêm việc làm mới cho trên 1.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt 33,6%. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Mỹ Lộc còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như cơ hội tìm việc làm nên số người đăng ký học nghề thấp và có xu hướng giảm. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, năm 2014, toàn huyện có 520 người có nhu cầu và đăng ký học nghề; năm 2015 chỉ có 200 người. Cơ cấu ngành nghề đào tạo của huyện chưa đa dạng, chủ yếu là nhóm nghề nông nghiệp; nhóm nghề phi nông nghiệp chỉ có nghề may công nghiệp và chiểm tỉ lệ thấp. Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định và bền vững./.
 
Bài và ảnh:  Minh Tân
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com