Trở lại Trực Chính (Trực Ninh) vùng quê từ lâu được biết đến với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, chúng tôi cảm nhận nhiều sự thay đổi: những con đường rộng đẹp, đổ bê tông vào tận thôn, xóm, ra đồng; ruộng đồng được phủ màu xanh của lúa, lạc, các loại cây dược liệu quý. Đi vào từng thôn, xóm, tiếng dệt sợi, máy may vang đều đều, ở nhiều nhà xưởng. Xóm, thôn nào cũng có những ngôi nhà cao tầng khang trang, đẹp đẽ… Trực Chính hôm nay đang dần chuyển mình trên con đường đổi mới. Sự đổi thay ấy khẳng định thành công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM.
Trong những năm qua Đảng ủy xã đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm và nguồn lực nội tại của địa phương. Một trong những “đột phá” được Đảng ủy, UBND xã chọn lựa lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương. Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch mùa vụ, áp dụng KHKT vào sản xuất, từ chỗ Trực Chính sản xuất 2 vụ trong năm, nay tăng lên 3 vụ và phát triển các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, quy hoạch thành vùng chuyên canh tập trung và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, xã Trực Chính có vùng nuôi trồng thủy sản rộng 65,7ha. Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trong xã phát triển trồng các loại rau, củ, quả sạch, cây dược liệu theo chương trình của Bộ NN và PTNT, thử nghiệm một số mô hình sản xuất trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu... Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay, toàn xã có 6 gia trại, 3 trang trại; đàn lợn luôn ổn định ở mức 2.500 con, đàn gia cầm 19 nghìn con, sản lượng con nuôi hằng năm ước đạt 415 tấn. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm của xã đạt từ 50-53 tỷ đồng.
Nông thôn mới xã Trực Chính. |
Ngoài phát huy thế mạnh trồng trọt và chăn nuôi, xã tập trung phát triển một số ngành nghề dịch vụ, CN-TTCN, từng bước đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều ngành nghề mới được hình thành như: sửa chữa điện tử, cơ khí, vận tải, mộc, nề, gò, hàn… Phát huy thế mạnh nghề dệt, may truyền thống, hiện 1/3 dân số của xã gắn bó với nghề. Nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng mặt bằng nhà xưởng, mua thêm máy may, máy dệt công nghiệp công suất lớn. Trên địa bàn xã hiện có 567 máy dệt, 115 máy may. Ước tính giá trị thu nhập từ sản xuất thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ bình quân mỗi năm của xã đạt trên 46 tỷ đồng. Kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4%.
Trong xây dựng NTM, xã đã huy động sức dân, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh. Đã vận động nhân dân hiến 135.124m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, Trực Chính đã tập trung DĐĐT đất nông nghiệp, chỉnh trang đồng ruộng, hình thành vùng canh tác tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. Hoàn thành công trình tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ và công trình trạm y tế đưa vào sử dụng; xây mới trường THCS với tổng kinh phí 15 tỷ đồng; sửa chữa 9/9 NVH thôn, xóm… Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư bê tông cơ bản đạt chuẩn NTM. 100% các trục đường thôn, xóm đã được cứng hóa…
Đi đôi với việc tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, Đảng ủy xã cũng thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đảng bộ Trực Chính hiện có 256 đảng viên sinh hoạt ở 13 chi bộ; nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, MTTQ và các đoàn thể đều đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường ổn định cho kinh tế - xã hội phát triển, đến nay xã có 9/9 thôn, xóm đạt tiêu chuẩn thôn, xóm văn hóa cấp huyện, số gia đình văn hóa đạt trên 90%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trực Chính vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do tập trung sản xuất lúa đặc sản nên năng suất lúa đại trà của xã chưa cao, một số mô hình sản xuất và cơ cấu cây trồng, con nuôi chuyển đổi chậm; do giao thông không thuận lợi nên các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp chưa phát triển, tình trạng vi phạm đất đai, lấn chiếm lòng, lề đường, tranh chấp, sử dụng sai mục đích, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra… Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Trực Chính tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạọ, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong nông nghiệp, xã chú trọng trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như: lạc Sán Dầu, cây dược liệu, các giống lúa đặc sản; duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng gia trại, trang trại. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ, tạo thêm nghề mới, tăng thêm việc làm; giữ vững và phát triển nghề dệt, may truyền thống, đẩy mạnh các dịch vụ sản xuất, kinh doanh khác... Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư thực hiện một số công trình phục vụ sản xuất và dân sinh.
Một vùng NTM đang chuyển mình. Sự khởi sắc đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết, có những bước đi đúng đắn, cách làm sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân