Chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

07:08, 27/08/2015

Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, cùng với không khí phấn khởi kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hải Hậu nô nức thi đua lập thành tích chào mừng sự kiện huyện được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 921/QĐ-TTg, ngày 23-6-2015 công nhận là Huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hậu trong chương trình xây dựng NTM.

Thành công từ nỗ lực vượt khó
 
Triển khai Chương trình quốc gia xây dựng NTM, ngày 29-9-2010, Hải Hậu được Trung ương chọn là một trong 5 huyện làm điểm của cả nước. Bước vào xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp, vấn đề việc làm, hộ nghèo, môi trường cần được tập trung giải quyết... Qua rà soát, đánh giá, toàn huyện mới đạt 7/19 tiêu chí NTM. Huyện xác định xây dựng NTM là cơ hội, trách nhiệm để huy động sức mạnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng quê hương giàu mạnh. BCH Đảng bộ huyện đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng NTM; lựa chọn những khâu đột phá thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, huyện đã ban hành 3 nghị quyết, 6 đề án về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015, đồng thời cụ thể hoá 19 tiêu chí xây dựng xã NTM của Chính phủ thành xóm (TDP) NTM với 12 tiêu chí, gia đình NTM với 8 tiêu chí. Phân công cho mỗi đoàn thể chính trị - xã hội phụ trách một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể; mỗi phòng, ban, cơ quan phụ trách một hoặc một số tiêu chí. Phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM với phương châm: “Lấy xóm, cụm dân cư, hộ gia đình làm hạt nhân, nòng cốt để xây dựng NTM. Phân định rõ trách nhiệm của từng cấp: xã lo đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các đường trục xã, liên xã, đường giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế và công trình phúc lợi khác. Xóm lo huy động nguồn đóng góp của nhân dân để làm đường trục xóm, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư. Cụm dân cư lo làm đường dong ở khu dân cư. Hộ gia đình lo chỉnh trang các công trình vệ sinh, nước sạch, khuôn viên nhà ở, sân, ngõ, ao vườn”... Huyện xác định dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá trong xây dựng NTM, do đó ngay trong năm 2011, đã hoàn thành DĐĐT, số thửa bình quân còn 1,9 thửa/hộ (giảm 0,9 thửa). Sau DĐĐT, toàn huyện đã tổ chức quy gọn vùng đất công; quy hoạch vùng sản xuất; quy hoạch đất dành xây dựng các công trình công cộng, đất quy hoạch khu dân cư. 100% xã, thị trấn hoàn thành 3 quy hoạch: Quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp; Quy hoạch xây dựng NTM và Quy hoạch sử dụng đất. Thực hiện việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng tại thực địa theo quy hoạch được duyệt; công khai quy hoạch và có quy chế quản lý quy hoạch. Trên cơ sở Bộ tiêu chí xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, huyện đã xây dựng cơ chế quản lý và huy động nguồn vốn xây dựng NTM, phân cấp quản lý các công trình xây dựng NTM cho xã, thị trấn. Đối với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện tập trung ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất. Huyện giao cho các xã, thị trấn quản lý và huy động vốn xây dựng các công trình công cộng gồm: Trụ sở, trường học, trạm y tế, hố chôn lấp và xử lý rác thải, đường trục xã…; xóm (TDP) và khu dân cư quản lý, huy động vốn xây dựng đường giao thông nội đồng, đường giao thông, rãnh thoát nước dong xóm và nhà văn hóa xóm (TDP). Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cụ thể cho từng loại công trình như: xây dựng đường giao thông nội đồng hỗ trợ từ 50-60% chi phí vật liệu cứng; đường trục xóm tối đa 30% chi phí vật liệu cứng; phần còn lại do xóm, khu dân cư tự huy động vốn, vật tư, ngày công lao động... và tổ chức giao cho nhân dân tự thi công, giám sát, quản lý. Để khuyến khích các địa phương, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ và khen thưởng các xã, thị trấn xây dựng NTM. Trong đó, hỗ trợ 150 triệu đồng/xã để triển khai DĐĐT; 121 nghìn đồng/người mua BHYT tự nguyện; 50 triệu đồng/lò đốt rác; 50% tổng số tiền huyện được điều tiết từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất cho xã triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2014; hỗ trợ cho đơn vị triển khai làm đường giao thông nội đồng trong năm 2011 với mức 5 triệu đồng/km; hỗ trợ 1 triệu đồng/xóm triển khai tổ chức xây dựng NTM. Những xã, thị trấn đạt NTM trong năm 2013 được thưởng 100 triệu đồng/xã; đạt năm 2014 thưởng 50 triệu đồng/xã. Ngoài ra, huyện còn thưởng cho xóm (TDP) đạt NTM trong năm 2012 với mức 5 triệu đồng/xóm; đạt năm 2013 thưởng 4 triệu đồng/xóm; đạt năm 2014 thưởng 3 triệu đồng/xóm. 
Một góc Thị trấn Yên Định.
Một góc Thị trấn Yên Định.
Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, tổng số vốn đã huy động là 1.462 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn do nhân dân, người con quê hương đóng góp, ủng hộ 573 tỷ đồng (bằng 39,2%). Ngoài ra, nhân dân đã đóng góp trên 345ha đất nông nghiệp, 25ha đất ở để xây dựng các công trình đường giao thông, phúc lợi công cộng; góp trên 150 nghìn ngày công lao động. Qua 5 năm, hệ thống giao thông nông thôn đã được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp với tổng chiều dài trên 1.455km, gồm đường giao thông liên xã, trục xã, xóm, nội đồng đạt chuẩn NTM. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch làm thuỷ lợi, nạo vét kênh mương, cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất, khối lượng bình quân đạt từ 650 nghìn đến 700 nghìn m3/năm, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước khu dân cư cũng được tu sửa, nâng cấp hoặc xây mới với chiều dài 309km. Hoạt động kinh tế và tổ chức sản xuất của người dân cũng được cải thiện đáng kể với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú như nghề may công nghiệp, nghề mộc mỹ nghệ. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như: làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hải Minh, nghề đan lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long, nghề trồng hoa cây cảnh ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện… Với sự đa dạng ngành nghề, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 30 triệu đồng/năm, tăng 19,8 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,83%, giảm 8,34% so với năm 2010. Các xã, thị trấn đã tích cực chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, cơ cấu, mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa hằng năm đạt 10-13%; hình thành được các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, trồng màu, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa chất lượng. Các địa phương trong huyện cũng tập trung đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ hầng và phát triển các CCN. Điển hình như Cty CP May Sông Hồng 7 tại xã Hải Phương, Cty CP Đạt Thành, Cty CP Đầu tư Hải Đường... đã ổn định sản xuất, tạo việc làm cho trên 3.000 công nhân lao động... Đến nay có 40 làng nghề được công nhận, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
 
Với 36 năm liên tục là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước, đến nay, toàn huyện đã có 100% các xã, thị trấn có nhà văn hóa xã, hội trường, khu thể thao (không kể sân vận động) đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL. Toàn huyện có 441/546 xóm (TDP) (bằng 80,7%) đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa; 92,4% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. 100% xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn. Trong đó, có 24 xã, thị trấn xử lý theo công nghệ lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên; các xã, thị trấn đều tổ chức thu gom, xử lý rác thải tập trung. 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường… Nhờ đó, có 536/546 xóm (TDP) và 98% gia đình đạt tiêu chí NTM. Đến tháng 3-2015 có 35/35 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Và kết quả đáng ghi nhận là ngày 23-6-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 921 công nhận huyện Hải Hậu là huyện đầu tiên trong 5 huyện được Trung ương chọn làm điểm đạt chuẩn NTM trong năm 2015.
 
Bài học kinh nghiệm
 
Nhân tố quyết định thành công trong công cuộc xây dựng NTM của Hải Hậu chính là Đảng bộ, chính quyền các địa phương đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, nhân dân làm chủ; đưa nội dung xây dựng NTM vào nghị quyết của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cấp uỷ từ huyện tới cơ sở đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Chính vì vậy, kinh nghiệm của huyện Hải Hậu trong xây dựng NTM là phải phát huy nội lực, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính; cấp ủy, chính quyền với vai trò định hướng, giải quyết kịp thời mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng hộ gia đình. Việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phải chi tiết, xác định rõ nguồn lực, có tính khả thi; phân công trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tinh thần gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên. Tích cực huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, của con em quê hương, đặc biệt là động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết, phải kế thừa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung, nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở và các quy định về công khai tài chính trong quá trình huy động và sử dụng các nguồn lực xây dựng NTM cũng là một trong những biện pháp cần thực hiện trong quá trình xây dựng NTM. Có như vậy mới thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bên cạnh đó, cần kịp thời tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương kịp thời, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực xây dựng NTM, đồng thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế. 
 
Đón nhận danh hiệu Huyện đạt chuẩn NTM năm 2015 cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện ôn lại truyền thống đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong phong trào xây dựng NTM; ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM, đồng thời xác định trách nhiệm của các cấp, ngành, của nhân dân toàn huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng bền vững./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com