Tuyển sinh đầu cấp - Lại chuyện "chạy trường, chạy lớp"

09:07, 10/07/2015

Ở Thành phố Nam Định, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp, câu chuyện chạy trường, chạy lớp lo cho con vào “trường tốt, lớp tốt” lại “nóng” lên. Để đạt được mục tiêu cho con vào “trường tốt, lớp tốt”, các bậc phụ huynh không ngại khó, ngại khổ, ngại tốn để “chạy” cho con. Từ việc “chạy” hộ khẩu, rồi tìm kiếm, gửi gắm người quen, chạy thông qua “mối quan hệ”… đều được các bậc phụ huynh tính toán kỹ càng.

Thời điểm này, gia đình bé Quang Anh ở phường Vị Hoàng đã yên tâm khi được tận mắt nhìn thấy danh sách trúng tuyển vào trường THCS B trên địa bàn Thành phố Nam Định. Suốt hơn hai tháng trời đứng ngồi không yên khi chưa tìm được mối quan hệ “chắc chắn” để có thể xin được cho con vào “trường điểm” trái tuyến, bố mẹ Quang Anh như “bắt được vàng” khi thông qua mối quan hệ của em rể, có người đã nhận lo cho Quang Anh không chỉ vào được ngôi trường “ước mơ” mà còn được vào lớp chọn. Bé Na năm nay bước vào lớp 1, với các mối quan hệ của bố mẹ, em đã có hộ khẩu ở phường có trường tiểu học được xây dựng thành cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố. Tuy nhiên, để chắc chắn được vào học tại trường, gia đình cũng phải tranh thủ mối quan hệ của ông ngoại và sự “lót tay” khéo léo với mức chi phí bằng cả tháng lương của cả  hai bố mẹ.

Các em học sinh Trường Tiểu học Hải Châu (Hải Hậu) trong một giờ học.
Các em học sinh Trường Tiểu học Hải Châu (Hải Hậu) trong một giờ học.

Qua tìm hiểu được biết, vào mỗi dịp tuyển sinh đầu cấp, không chỉ những trường có tiếng chất lượng giáo dục tốt “nóng” lên với việc “chạy trường, chạy lớp”, mà còn phổ biến ở một số trường có điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khá trong thành phố. Kênh “chạy” trái tuyến khá phong phú, từ “chạy” hộ khẩu cho con, tìm kiếm mối quan hệ thân quen, “cò mồi” hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khá thì khi có con đang học tại trường sẽ thực hiện việc tài trợ cho trường bàn ghế, lát sân, bồn hoa, cây cảnh, lắp điều hòa, sắm ti vi, vi tính... để có tên trong “sổ vàng” của nhà trường và nghiễm nhiên được ưu tiên trái tuyến cho con, cháu ở những lớp đầu cấp sau. Tất cả các mối quan hệ thân quen được phụ huynh huy động, tranh thủ để xin học cho con. Một số trường có chính sách ưu tiên nội bộ, luân phiên cho cán bộ, giáo viên được ít nhất một suất “ưu tiên” dành cho người nhà. Đây cũng chính là mục tiêu mà phụ huynh “nhắm” tới. Ngoài khoản tiền nộp theo quy định khi con học trái tuyến, chi phí thực tế để xin học trái tuyến cho con, cha mẹ học sinh có thể “đầu tư” từ 5 đến 15 triệu đồng, thậm chí cao hơn phụ thuộc vào mức độ quan hệ và số “cầu” nhờ vả. Không chỉ “chạy trường”, các gia đình còn lo “chạy” lớp. Để được vào học trong các lớp mũi nhọn (lớp chọn), học sinh thường phải có kết quả học tập cao, lấy từ trên xuống trong kỳ thi chuyển cấp hoặc khảo sát chất lượng đầu năm. Học sinh đủ điều kiện vào học lớp chọn bằng năng lực thực của mình được nhiều giáo viên và học sinh gọi là “lớp sạch”. Do những ưu điểm nổi bật của lớp chọn mà nhiều phụ huynh học sinh rất muốn con em mình được vào học trong môi trường lớp đó để được học giáo viên giỏi và có cơ hội tham gia trong các kỳ thi, các kỳ giao lưu học sinh giỏi. Từ đó, phụ huynh tìm đủ mọi cách để con mình có “chỗ” trong các lớp chọn. Thế mới có chuyện sau khi các trường tiểu học, THCS hoàn thành việc tuyển sinh, các trường THPT thông báo điểm chuẩn vào trường thì ban giám hiệu, thậm chí là cả giáo viên trong trường sợ nghe điện thoại, sợ người quen tìm đến nhà để nhờ vả chuyện chọn lớp, xin lớp cho con. Tuy nhiên trước sức nóng của lớp mũi nhọn vì cả nể, vì thân quen, vì “đối ngoại” nên nhiều trường đã “linh động” xếp một số học sinh chưa đủ “chuẩn” vào học lớp chọn. Sự “cạnh tranh” trong môi trường lớp mũi nhọn ở một chừng mực nào đó là động lực để học sinh có thêm ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng nhưng cũng sẽ là áp lực tâm lý đối với những học sinh không đủ năng lực nhưng vẫn bị phụ huynh “ép” vào lớp chọn. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận khối lượng kiến thức thường có phần “nặng” hơn so với các lớp bình thường. Việc không theo kịp khiến các em tự ti từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả học tập, rèn luyện của bản thân và cả tập thể.

Thiết nghĩ bản thân phụ huynh học sinh, những người trong cuộc cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc cho con em mình học ở trường nào. Rõ ràng là không phải cứ vào được trường, lớp vừa ý là mọi học sinh đều học giỏi mà điều căn bản là khả năng, ý thức của học sinh và sự quan tâm của giáo viên, của phụ huynh với việc rèn luyện các cháu. Bên cạnh đó, dù có chủ trương nhận học sinh trái tuyến nhưng các nhà trường cũng cần phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết và có cái nhìn khách quan, công tâm để phân loại những học sinh đạt chuẩn vào “lớp chọn”, đừng vì “mối quan hệ” mà tạo điều kiện cho phụ huynh “chọn trường, chọn lớp, chọn cô” làm ảnh hưởng tới những học sinh khác. Bởi, hơn bất cứ nơi nào, môi trường học đường luôn cần sự trong sạch./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com