Năm 2014, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) Nam Phong (TP Nam Định) quản lý, giáo dục, điều trị cai nghiện cho 133 người, trong đó cai nghiện bắt buộc cho 62 người, cai nghiện tự nguyện cho 71 người. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm quản lý và điều trị cho 83 người, trong đó tiếp nhận mới 28 người cai nghiện tự nguyện và 3 người sau cai. Cả hai đối tượng cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm đều bảo đảm cắt cơn, phục hồi sức khỏe; được giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, được học nghề để trở về hòa nhập với cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm CB-GD-LĐXH Nam Phong tư vấn, giải đáp các vướng mắc của học viên trong quá trình điều trị cai nghiện. |
Đồng chí Trần Trọng Hộ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm có 37 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giúp người nghiện tự tin, tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Trên cơ sở quy trình cai nghiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB và XH, Trung tâm đã xây dựng và thực hiện phác đồ điều trị: Tiếp nhận, phân loại, điều trị, cắt cơn, giải độc; điều trị nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; giáo dục phòng, chống tái nghiện; kết hợp lao động trị liệu và dạy nghề. Trước đây, người nghiện chủ yếu dùng hê-rô-in nhưng hiện nay, đối tượng nghiện ma túy dùng nhiều dạng khác nhau, phần lớn là sử dụng ma túy đá. Đối tượng sử dụng ma túy đá có 2 dạng biểu hiện là sảng thanh (thích nghe nhạc, trống, còi, tiếng động…) và sảng hình (sợ bóng tối hoặc sợ ánh sáng, sợ ai đó đánh mình, sợ bị lấy cắp tài sản…), khi lên cơn nghiện có nhiều hành vi cực đoan, nguy hiểm, gia đình không kiểm soát được. Đối với đối tượng sử dụng ma túy đá, thời gian điều trị cắt cơn dài hơn so với người nghiện hê-rô-in và phác đồ điều trị cũng phức tạp hơn và tùy theo mức độ nghiện và dạng biểu hiện của từng đối tượng cụ thể. Trong quá trình điều trị cai nghiện, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn quan tâm chăm sóc sức khoẻ, đồng thời nắm bắt quá trình phục hồi thể chất, tâm lý, nhân cách, diễn biến tư tưởng, tình cảm của học viên để tư vấn, giải thích kịp thời, phòng ngừa hành vi manh động, vi phạm pháp luật và nội quy của Trung tâm, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Cùng với các biện pháp điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe, Trung tâm tổ chức tuyên truyền, giáo dục những kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy, cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh phơi nhiễm khác. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức lao động sản xuất, trị liệu cho học viên thông qua việc nuôi cá, nuôi lợn, gia cầm, trồng rau xanh. Công việc này vừa khắc phục thời gian nhàn rỗi dễ dẫn đến phân tán tư tưởng, hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị cai nghiện, vừa đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm, rau xanh trong sinh hoạt hằng ngày của học viên. Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện quy trình cai nghiện, Trung tâm không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn, vi phạm nội quy, quy chế, đảm bảo an toàn về người. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức lao động trị liệu cho các học viên như: sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làm hương, xây nhà bảo vệ, tường bao, trồng cây cảnh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Năm 2014, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh cho 35 học viên. Sau 3 tháng học tập, với phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, học lý thuyết gắn với thực hành, các học viên đã nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản, hoàn thành tốt khóa học. Sau khi học nghề, toàn bộ học viên được bố trí thực hành lao động sản xuất bằng nghề được học, vừa giúp họ có thêm thu nhập, vừa rèn luyện nâng cao tay nghề để khi tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác điều trị, giáo dục người nghiện, từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm CB-GD-LĐXH Nam Phong còn phối hợp với Hội CCB Thành phố Nam Định và Hội CCB 25 phường xã triển khai tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với chính người nghiện, đối với gia đình và cộng đồng. Trung tâm đã đặt biển thông tin trực quan tại trạm y tế của 25 xã, phường thông báo về nội dung, kinh phí, chương trình tiếp nhận và cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm, thu hút người nghiện tự giác, tự nguyện đến Trung tâm cai nghiện. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2015 có trên 300 lượt người đã đến Trung tâm hoặc gọi điện tìm hiểu về cai nghiện ma túy tự nguyện và đã được tư vấn, hướng dẫn, trong đó có 28 trường hợp đã được tiếp nhận vào Trung tâm.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chữa bệnh, giáo dục, đào tạo nghề cho học viên cai nghiện, thời gian tới, Trung tâm CB-GD-LĐXH Nam Phong tập trung bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng cai nghiện, phục hồi, phấn đấu điều trị cắt cơn cho 100% số học viên mới. Tăng cường công tác quản lý dạy nghề sau cai nghiện, tiếp tục tổ chức dạy nghề cho học viên, giúp học viên chủ động tái hòa nhập cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện./.
Bài và ảnh: Minh Tân