Sau một thời gian dài triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác Dân số ở tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Mức sinh thay thế đã đạt được vào năm 2005 nhưng chưa thực sự vững chắc; số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã tăng trở lại. Quy mô dân số lớn và tiếp tục tăng bình quân mỗi năm gần 20 nghìn người; diện tích tự nhiên hẹp, mật độ dân cư lớn. Với điều kiện một tỉnh nông nghiệp, việc phát triển kinh tế - xã hội còn gặp không ít khó khăn, đây là bài toán nan giải, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến các vấn đề dân số như chất lượng, cơ cấu, phân bổ dân cư, CSSKSS…, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm sinh bền vững.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) tuyên truyền về dân số cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Đến nay công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác Dân số - KHHGĐ đã được tăng cường. Bộ máy cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ các cấp tiếp tục được củng cố thông qua việc bổ sung biên chế cán bộ; đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả theo hướng đa dạng hóa các hình thức truyền thông và phương thức tiếp cận phù hợp với đối tượng tuyên truyền; ưu tiên hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân, vùng ven biển còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách dân số. Hằng năm, chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời với việc tuyên truyền, giáo dục, vận động chuyển đổi hành vi là cung cấp các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ thuận tiện, kịp thời cho người dân nhằm duy trì mức sinh thay thế. Thực hiện xã hội hóa sâu rộng đối với công tác Dân số - KHHGĐ, tỉnh ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội tham gia công tác Dân số - KHHGĐ trên cơ sở phân công, phân cấp theo quy chế phối hợp rõ ràng. Trong đó, Hội Phụ nữ các cấp đã duy trì hoạt động của 581 CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, thu hút 52.460 hội viên tham gia, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 tại địa phương. Bên cạnh đó, các đề án, mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được triển khai, nhân rộng.
Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về công tác Dân số - KHHGĐ đã được nâng lên, quan niệm về hôn nhân, sinh đẻ đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có năm tăng cao đột biến nhưng các địa phương, đơn vị có người sinh con thứ 3 trở lên đều chưa có hình thức xử lý nào hoặc nếu có cũng chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao cũng đang trở thành một vấn đề xã hội lớn. Tỉnh ta đang là một trong 10 tỉnh có sự chênh lệch tỷ số giới tính cao nhất cả nước. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền nhiều nơi chưa sâu sát, kịp thời; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số ở một số địa phương còn hạn chế; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ ngày càng bị cắt giảm, nhất là kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, trong khi nhiều người dân đang đòi hỏi được cung cấp thông tin… Bởi vậy, để kiểm soát mức sinh, ngành Dân số cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân số, chú trọng ưu tiên những vùng có mức sinh cao, vùng còn khó khăn trong công tác dân số; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, xã hội hóa công tác dân số để triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa các hoạt động tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân./.
Bài và ảnh: Lam Hồng