Nghĩa tình đồng đội của một cựu thanh niên xung phong

05:07, 25/07/2015

Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn hiện hữu. Nhiều người lính trở về với thương tật và có nhiều những người lính vĩnh viễn không trở về, nằm lại ở những vùng quê xa xôi. Đau đáu nghĩa tình với những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, trong nhiều năm qua, ông Hoàng Đình Ngọ, cựu TNXP (SN 1948), ở đường Nguyễn Viết Xuân, Khu đô thị Hòa Vượng, Thành phố Nam Định đã dành thời gian, tâm sức đi tìm những đồng đội của mình đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Cựu TNXP Hoàng Đình Ngọ ở đường Nguyễn Viết Xuân, khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) ôn lại ký ức về đồng đội.
Cựu TNXP Hoàng Đình Ngọ ở đường Nguyễn Viết Xuân, khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) ôn lại ký ức về đồng đội.

Năm 1965, khi mới 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hoàng Đình Ngọ hăng hái viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và được biên chế vào đơn vị C257 N39. Năm 1968, ông trở về địa phương vừa tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông được tổ dân phố, chính quyền tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo… Ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông cũng luôn nhiệt tình và tâm huyết với công tác Hội; chủ động đưa ra nhiều giải pháp cùng Hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế, vận động nhân dân xây dựng Quỹ “Vì đồng đội”, tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ đồng bào lũ lụt, xây dựng Nhà Tình nghĩa… Đã từng “vào sinh ra tử” trên những cung đường ác liệt, ký ức về những năm tháng sống, chiến đấu luôn theo ông. Điều ông Ngọ trăn trở nhất chính là nhiều đồng đội, đồng chí hãy còn nằm lại chiến trường, chưa được đưa về quê hương. Năm 1995, trong một lần hội đồng ngũ lực lượng TNXP tổ chức gặp mặt, bạn bè đồng chí vui mừng gặp lại nhau, chia sẻ những kỷ niệm chiến tranh, bàn và đi đến quyết định đi tìm mộ những bạn bè, đồng chí trong đơn vị đã hy sinh. Trong suốt hành trình 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông cùng đồng đội đã xác minh được danh tính, tìm và cất bốc được 8 hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương. Chia sẻ về những kỷ niệm, khó khăn trong quá trình đi tìm hài cốt đồng đội, ông Ngọ cho biết: thời gian đã quá lâu, các ngôi mộ đã bị xê dịch nhiều so với những sơ đồ mộ chí mà các đồng đội đã cung cấp, có nhiều ngôi mộ đã bị san phẳng, cuốn trôi phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm ra được. Bên cạnh đó, đa phần các ngôi mộ thường nằm ở vị trí hiểm trở, hồ sơ quy tập của các đơn vị và các địa phương không được hoàn chỉnh nên không biết liệt sĩ hiện đang nằm tại nghĩa trang nào, nhiều hài cốt đã bị di chuyển trong quá trình xây dựng các công trình công cộng… Vì vậy, quá trình đi tìm hài cốt đồng đội của ông Ngọ và các đồng chí trong đơn vị C257 N39 gặp rất nhiều khó khăn. Kỷ niệm ông nhớ nhất là năm 2006 đi tìm hài cốt liệt sĩ Trần Thị Sửu hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Bình, khi bà hy sinh, đơn vị đã làm lễ truy điệu giữa khu rừng huyện Quảng Trạch. Mặc dù việc xác định nơi chôn cất liệt sĩ Sửu được ông xác định rõ ràng nhưng suốt mấy ngày ròng rã dầm mưa, trèo đèo lội suối, ông vẫn không tìm thấy nơi chôn cất bà Sửu. Không nản lòng, ông Ngọ lân la vào các xóm làng hỏi thăm từng chút thông tin một. Ông còn đi khắp các nghĩa trang của huyện để tìm kiếm thông tin, hỏi thăm về các ngôi mộ liệt sĩ vô chủ khác. Nhiều ngày trời đã trôi qua, ông Ngọ lòng “nóng như lửa đốt” vẫn chưa có thông tin nào để tìm thấy mộ bà Sửu. Tuy nhiên, ông vẫn tin là sẽ tìm được mộ bà. Và niềm tin của ông Ngọ đã đúng, khi đi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nhân dân trong vùng đã giúp ông tìm thấy phần mộ của bà Sửu.

Hành trình tìm kiếm, quy tập liệt sĩ của ông Ngọ không nghỉ trong suốt nhiều năm. Dấu chân ông đã in khắp các vùng quê thuộc 2 tỉnh Quảng Bình, Nghệ An - nơi đơn vị ông đã từng đóng quân để tìm phần mộ của những người đồng chí, đồng đội. Kết quả, ông đã tìm được phần mộ đồng đội Trần Quang Thiện ở Nghệ An; Trần Thị Dần ở Quảng Bình và Trần Thị Tuân ở Thanh Hóa để gia đình các liệt sĩ đưa về quê an táng… Ông Ngọ chia sẻ: Nghĩa tình đồng đội là nghĩa tình thiêng liêng. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua mưa bom bão đạn, sinh tử, vì vậy càng quý những giây phút được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Tuy sống trong cảnh hòa bình song trong lòng chúng tôi luôn đau đáu nhớ về những đồng đội bao nhiêu năm vẫn phải nằm ở đâu đó, trong rừng sâu núi thẳm hoặc vô danh tại các nghĩa trang liệt sĩ. Vì thế, chúng tôi tự nguyện làm công việc đi tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Chỉ mong rằng, tấm lòng của chúng tôi được đồng đội “dẫn lối”, giúp sức để công tác tìm kiếm nhanh hơn. Tôi sẽ còn cùng anh em, bạn bè đồng chí tiếp tục tới những nơi chúng tôi từng chiến đấu để tìm thêm các anh em khác nữa.

20 năm miệt mài với công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, số lượng các liệt sĩ mà ông Ngọ và đồng đội tìm thấy có thể chưa nhiều song hành trình gian khó và nỗ lực của ông xứng đáng được ghi nhận. Cầm tay tôi lúc ra về, ông Ngọ còn nói: “Tôi chỉ cầu mong có thêm sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình, bởi đồng đội tôi còn nằm lại nơi rừng sâu nhiều lắm!”. Cầu chúc cho ông có thêm sức khỏe, trong hành trình của mình sẽ gặp được nhiều hỗ trợ hơn nữa để đồng đội của ông sớm được trở về quê nhà, để tấm lòng người lính già được toại nguyện, thanh thản./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com