Cùng với các nghề truyền thống như mộc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng..., huyện Ý Yên còn có thương hiệu nức tiếng gần xa với câu ca dao "cỗ An Hòa, nhà Lạc Chính". Cỗ Tết làng An Hòa (xã Yên Bình) thường có nhiều món ngon, được chế biến cầu kỳ, tinh xảo; còn nhà ở thôn Lạc Chính (xã Yên Chính) nổi tiếng bởi to, đẹp, chắc chắn nhất vùng. Hiện nay, trên địa bàn thôn Lạc Chính vẫn còn khoảng chục ngôi nhà cổ với niên đại từ 100-150 năm tuổi.
Thôn Lạc Chính trước đây là xã Lạc Chính thượng, tổng Lạc Chính; ngày nay thuộc 2 HTX Minh Thắng, Vạn Đoàn, xã Yên Chính. Với lợi thế giáp sông Bo (một nhánh nhỏ của sông Đáy), trên bến dưới thuyền, cận thị, cận giang nên thôn Lạc Chính từ lâu đã trở thành trung tâm buôn bán của cả vùng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tân, năm nay đã 83 tuổi, con trai duy nhất của cụ đồ Bồng Nguyễn Kim Tôn cho biết: Trước kia dù giàu hay nghèo, có thể ăn đói, mặc rách nhưng các thế hệ người dân Lạc Chính đều tâm niệm: phải dựng được nếp nhà chắc chắn để chống chọi với thiên tai và lấy chỗ cho con cái đi về. Nhà xưa ở Lạc Chính có 2 loại gồm: nhà đắp đất, lợp rạ và nhà gỗ, xây gạch, lợp ngói ta (loại ngói mũi nhọn hình vảy rồng). Nhà đắp đất thường dựng cột chính bằng gỗ, đắp đất phần tường, mái lợp bằng ngói hoặc rạ. Cột chính được làm từ các loại gỗ như: xoan, mít hay tre được chọn lựa kỹ. Để tránh mối mọt, tăng độ bền, trước khi dựng nhà, cột phải ngâm khoảng 1-2 năm. Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai chái; trong đó 3 gian chính cố định (mỗi gian rộng tối đa 2m), còn hai chái bố trí ở hai đầu hồi hoặc hai chái gộp vào làm một buồng để tăng diện tích sử dụng, bố trí ở một đầu hồi. Đất đắp tường được lấy ngay trong vườn, ở đồng về, "luyện" với nước cho thật nhuyễn, không được nhão và cũng không được khô. Sau đó lấy hai cánh cửa dựng lên làm khung, bên ngoài dùng tre đóng xuống đất để cố định chắc rồi mới đắp đất vào giữa. Tường đất thường dày khoảng 30-40cm, cao khoảng 1,8-2m. Bên trên tường đắp đất là "vách" làm bằng khung tre cao khoảng 0,5-1m, trát hỗn hợp đất trộn rơm, xoa nhẵn. Ngoài hệ thống cột (có các loại 4, 6, 8 cột hoặc nhiều hơn), tường, vách (phần chịu lực chính của ngôi nhà) là hệ thống vì kèo, rui, mè. Mỗi gian thường bố trí 7 hoặc 9 thanh rui, đặt thẳng từ nóc xuống, dài hơn phần tường để làm hiên (ở phía trước nhà) và chái (phía sau nhà để che phủ phần vách trát đất); cũng bằng ấy thanh mè (nhất thiết phải dài bằng chiều dài ngôi nhà) đặt ngang theo nguyên tắc "mè đè rui" rồi mới lợp rạ lên trên. Những nhà khá giả thì xây tường gạch phía sau nhà và hai đầu hồi; hệ thống cột, vì kèo, rui mè làm bằng gỗ cho chắc chắn. Phía trước bố trí hệ thống cửa "bức bàn" (loại cửa rộng suốt cả gian, có nhiều cánh, bệ cửa cao từ 50-70cm) hoặc cửa "cánh bướm" (gồm nhiều cánh xếp lại cạnh nhau) bằng gỗ. Nhà nghèo thì cửa bằng cót nẹp tre bốn xung quanh để cố định. Tuy chỉ đơn sơ tường đất, mái rạ (hoặc trang trọng tường gạch, cột gỗ, mái ngói) thì dựng một ngôi nhà cũng là việc trọng đại của cả một đời người. Nhà đắp đất cũng mất hai, ba tháng liên tục mới hoàn thành; còn nhà gạch, mái ngói thì có khi phải mất thời gian từ hàng năm, thậm chí vài năm mới xong.
Ngôi nhà cổ 167 năm tuổi của gia đình ông Đỗ Tích Lượng, đội 11, xã Yên Chính (Ý Yên). |
Hiện nay, danh tiếng, thương hiệu "nhà Lạc Chính" còn được lưu truyền qua những ngôi nhà cổ còn lưu giữ được trong thôn. Anh Đỗ Tích Lượng, chủ nhân ngôi nhà cổ ở đội 11, HTX Minh Thắng cho biết: Ngôi nhà anh và gia đình đang sinh sống thuộc loại nhà cổ 5 gian; trong đó có ba gian chính, hai chái gộp làm một buồng. Nhà xây tường gạch phía sau và hai đầu hồi, hệ thống cột, vì kèo, rui mè, cửa hoàn toàn bằng gỗ lim. Ngôi nhà có tổng cộng 27 cột lim đường kính 30cm, hệ thống cửa bức bàn 12 cánh suốt ba gian chính, bệ cửa cao 70cm. Đây là ngôi nhà do cụ cố 5 đời nhà anh dựng từ 167 năm trước, tiêu thụ hết 30m3 gỗ, hàng chục thợ khéo làm liên tục trong hơn 3 năm (tương đương 1.000 ngày công) mới hoàn thành. Ngôi nhà rộng 3,7m, dài 11m, mỗi gian từ tim cột đến tim cột cách nhau đúng 2m, lợp ngói ta hình vảy rồng, cột kê trên bệ đá, vì kèo chạm khắc theo hình thức "trụ non, con cung" (con cung là con rồng), "chữ Thọ" và hoa văn trang trí. Để dựng được nếp nhà này, cụ cố nhà anh đã phải thuê hàng chục thanh niên đóng bè ngược vào tận Thanh Hóa thu mua gỗ, ngâm dưới nước hàng năm mới vớt lên để dựng nhà. Ngoài căn nhà cổ của gia đình anh Lượng, ở đội 11 còn có 4 ngôi nhà cổ với hình thức tương tự là nhà của các ông, bà Đỗ Gia Khương, Đỗ Thị Dụng là loại nhà ngói 5 gian, hai chái hai bên, cửa bức bàn; nhà ông Đỗ Xuân Cù là loại nhà ngói 3 gian, cửa kiểu bệ đá chạm rồng; nhà ông Đỗ Đức Hồ cũng là nhà ngói nhưng chỉ có 4 gian (vì không có con trai nên gia chủ chỉ dựng 1 chái ở đầu hồi), cửa cánh bướm (8 cánh)... Bên cạnh sự tồn tại của những ngôi nhà cổ trên địa bàn, danh tiếng “nhà Lạc Chính” còn được những người thợ tài hoa, xuất thân trong làng gây dựng khắp vùng khi sử dụng kinh nghiệm của mình đi xây nhà cổ ở các địa phương khác. Theo thời gian và số lượng nhà cổ được xây dựng, người thợ làng Lạc Chính càng được tín nhiệm mời đi hàng tháng để dựng nhà cổ. Từ đó, những người thợ có tay nghề trong làng còn lập thành các hiệp thợ. Tiêu biểu như hiệp thợ của các cụ Trương Canh, Trương Tràng chuyên nhận thi công các công trình tôn giáo như: đình, chùa, miếu mạo; hiệp thợ của cụ Quản Sự chuyên nhận dựng nhà (cả nhà gỗ, tường gạch và nhà đắp đất); ngoài ra còn hàng chục hiệp thợ quanh năm đi dựng nhà cho khắp "tam tổng Thượng, tứ tổng Hạ" trong huyện Ý Yên.
Trước sự phát triển của xã hội, theo xu thế chung, phần lớn nhà ở thôn Lạc Chính đã được kiên cố hóa bằng các loại vật liệu mới như gạch, xi măng, sắt thép. Những mái rạ, mái ngói xưa đã được thay thế bằng mái bằng đổ bê tông; nếp nhà cũ một tầng 3 gian 2 chái truyền thống đã được nâng thành nhiều tầng, gian được chia thành phòng. Vì thế thương hiệu "nhà Lạc Chính" đang đứng trước nhiều nguy cơ, thậm chí mai một trong một thời gian ngắn tới đây. Đầu tiên là vấn đề nghề "dựng nhà" truyền thống bị mai một. Sau khi lớp các cụ Trương Tràng, Trương Canh và Quản Sự mất đi, lớp con cháu vẫn tiếp tục duy trì nghề tổ nhưng rồi cũng chỉ được một hai thế hệ tiếp sau. Đến nay, toàn thôn Lạc Chính đã không còn hiệp thợ nào giữ được nghề tổ nên vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị những ngôi nhà cổ còn sót lại cũng không được chu đáo. Là vùng có nhiều nhà cổ nhưng đến nay, toàn xã chỉ còn lại chưa đến chục căn nhà. Trải qua năm tháng nắng mưa, phần lớn nhà cổ đã ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: đầu tiên là mái ngói, kế đến là hệ thống cột, cửa, rui mè gỗ... Để tránh xuống cấp, nhiều nhà đã phải thay thế mái ngói ta bằng ngói mới; thậm chí hệ thống cột, cửa... cũng phải thay thế bằng các loại vật liệu khác...
Trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, "nhà Lạc Chính" không chỉ là thương hiệu mà còn là nơi lưu giữ, thể hiện đầy đủ nhất nét đặc trưng văn hóa riêng có không chỉ của người dân thôn Lạc Chính mà còn là niềm tự hào, là giá trị không thể đong đếm của cả vùng, cả huyện... Vì thế, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của thương hiệu "nhà Lạc Chính", đã đến lúc cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng./.
Bài và ảnh: Thành Trung