Anh T ở phường Văn Miếu (TP Nam Định) đang điều trị tại cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Tôi nghiện ma túy nhiều năm. Sau 2 tháng điều trị cai nghiện bằng Methadone, tôi tăng được 6kg. Sau hơn 3 tháng điều trị, tôi không còn thèm ma túy nữa. Cũng như trường hợp anh T, anh A ở đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) nghiện ma túy đã 7 năm. Sau khi kiên trì điều trị bằng Methadone, anh đã dứt bỏ được ma túy và đã có công ăn việc làm ổn định… Bà V. buôn bán tại một chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Nam Định tâm sự: Ở tuổi 65, đáng lẽ bà đã được nghỉ ngơi, nhưng có thằng con nghiện ngập nên nắng cũng như mưa, bà phải còng lưng chạy chợ kiếm tiền kiếm sống. Những lúc chứng kiến con lên cơn đói thuốc vật vã, khổ sở, bà lại thấy quặn thắt lòng… Từ ngày được điều trị Methadone, con bà đã thay đổi tâm tính, biết ra chợ phụ giúp mẹ hàng quán. Còn ở cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh, các bác sĩ cho biết quy trình bệnh nhân vào điều trị: Sau khi hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, bệnh nhân sẽ được khởi liều, dò liều để tìm ra liều lượng phù hợp. Đến nay cơ sở đã có 176 bệnh nhân trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận tự nguyện đến điều trị, duy trì sức khỏe và hòa nhập cộng đồng. Anh H ở Thị trấn Cổ Lễ đang điều trị liều duy trì ở đây chia sẻ: Tôi đã đi cai nghiện nhiều lần nhưng lần nào về cũng tái nghiện. Vợ chồng tôi suýt chia tay nhau vì tôi nghiện ma túy. Giờ đây, sau những ngày điều trị khởi liều, tôi quyết tâm kiên trì điều trị để có cơ hội làm lại cuộc đời…
Làm các thủ tục đón tiếp bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở điều trị Methadone huyện Hải Hậu. |
Methadone là liệu pháp điều trị chuẩn quốc tế cho người nghiện hê-rô-in. Khi được kiểm soát chặt chẽ, đây là liệu pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ngoài ý nghĩa dự phòng lây truyền HIV, chương trình điều trị Methadone còn mang ý nghĩa nhân văn, giúp người nghiện từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống. Tại tỉnh ta, chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai từ năm 2011 theo Quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 13-7-2010 của UBND tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai 5 cơ sở điều trị Methadone. Cơ sở điều trị Methadone địa bàn Thành phố Nam Định đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Cơ sở điều trị Methadone các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh đặt tại Trung tâm Y tế huyện. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến ngày 30-6-2015, tổng số bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị là 1.427 bệnh nhân, trong đó có 1.052 bệnh nhân đạt liều duy trì. Kết quả điều tra nghiên cứu của đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sau 12 tháng tham gia điều trị” do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện năm 2014 cho thấy: Trong quá trình điều trị, số bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị đạt trên 90%, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng hê-rô-in trong 6 tháng đầu khi tham gia điều trị là 48%, sau 6 tháng điều trị giảm còn 12% và sau 12 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 9%. Sức khỏe thể chất, tâm thần của bệnh nhân được nâng cao rõ rệt. Trung bình cân nặng của bệnh nhân tăng từ 48,6kg lên mức 52,5kg, bệnh nhân tích cực tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh và tham gia các hoạt động đoàn thể tại các khu dân cư. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trở lại sau 12 tháng điều trị đạt 91%. Với những kết quả trên, hoạt động điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh ta đã góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, đặc biệt đã làm ổn định đáng kể tình hình an ninh trật tự tại các khu dân cư và tạo được niềm tin của nhân dân đối với hiệu quả của chương trình.
Để duy trì được kết quả như trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động như truyền thông, quảng bá hiệu quả chương trình điều trị Methadone trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn và cấp phát tờ rơi, pa nô, áp phích… Trung tâm thường xuyên phối hợp với các chuyên gia tổ chức hỗ trợ kỹ thuật như tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, khám định kỳ, công tác chuyển tiếp… Tại các cơ sở điều trị có trên 90% số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone có HIV (+) được tiếp cận cơ sở điều trị ARV, các dịch vụ như lao, tâm thần, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… cũng là những dịch vụ chuyển tiếp của chương trình. Chương trình điều trị Methadone đang góp phần tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh với việc góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và tiến tới kết thúc đại dịch HIV trong tương lai./.
Bài và ảnh: Minh Thuận