Thực hiện Nghị quyết số 25, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) và các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh về công tác tôn giáo, thời gian qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về tôn giáo tới cán bộ và nhân dân. Qua đó đã vận động đồng bào có đạo và nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tích cực thi đua lao động sản xuất, tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giáo xứ Kim Thành, xã Hải Vân (Hải Hậu). |
Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh, hằng năm, Sở Tư pháp chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động PBGDPL về tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi có đông các tín đồ tôn giáo; đồng thời hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu PBGDPL của cán bộ, đảng viên, tín đồ, chức sắc các tôn giáo để xây dựng, triển khai kế hoạch PBGDPL phù hợp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để giải đáp thắc mắc, tư vấn về pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đất đai, khiếu nại, tố cáo..., giúp đồng bào có đạo nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật... Cùng với Sở Tư pháp, hằng năm, Sở Nội vụ đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tôn giáo, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở. Sở Nội vụ cũng thông báo đến các ngành liên quan, các huyện, thành phố cử cán bộ, công chức tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin về tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức; phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Từ năm 2014 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; cung cấp trên 2.000 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật về tôn giáo cho các địa phương trong tỉnh. Thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo đã giúp cán bộ, công chức nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; trao đổi về tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương. Qua đó đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, thống nhất quan điểm trong cách giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo.
Tại các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể quan tâm thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, bao gồm: Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; quyền lợi và trách nhiệm của chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Là địa phương có đông đồng bào có đạo, trong đó đạo Công giáo chiếm gần 50%; đạo Phật chiếm 11% dân số của huyện, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL về tôn giáo tới cán bộ và nhân dân. Căn cứ tình hình đặc điểm của địa phương, cấp uỷ, chính quyền, từ huyện đến các xã, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ đạo công tác tôn giáo; thành lập tổ tư vấn tôn giáo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác tôn giáo. Hằng năm, UBND, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật đến chức sắc, chức việc các tôn giáo. Trong các sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước, các dịp lễ trọng của các tôn giáo, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức thành viên đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, động viên các vị chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu trong các tôn giáo; tổ chức gặp mặt giao lưu, các buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo huyện, các ban, ngành, đoàn thể với các chức sắc tôn giáo. Qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các tôn giáo. Đặc biệt là đã phát huy được vai trò của các vị tăng ni, linh mục; lồng ghép rao giảng giáo lý, giáo luật với tuyên truyền chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, vận động quần chúng tín đồ tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Do đó, trong nhiều năm qua, các chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn huyện luôn thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”, đạo Công giáo với phương châm “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Sống tốt đời, đẹp đạo” chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương liên quan đến tôn giáo.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trên 70 buổi tuyên truyền pháp luật về tôn giáo cho trên 10 nghìn lượt người tham dự; thực hiện trợ giúp pháp lý cho hàng trăm lượt tín đồ tôn giáo. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo, đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền; phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để đồng bào các tôn giáo chấp hành nghiêm túc các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng