Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác chỉ đạo tuyến đã trở thành “cánh tay nối dài” hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến huyện. Trong 3 năm (2012-2014), Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển giao một số kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tai - mũi - họng, kỹ thuật điện tim cho cán bộ, y tế Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc và trưởng trạm y tế các xã trong huyện; chuyển giao các kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật của chuyên khoa Mắt, nội soi tiêu hóa cho Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định… Công tác chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp các bệnh viện tuyến huyện hoàn thiện quy trình chẩn đoán điều trị, triển khai được nhiều kỹ thuật mới. Tỷ lệ bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến huyện chuyển lên tuyến trên giảm 20-30%. Việc tăng cường chỉ đạo tuyến đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận được các kỹ thuật y học tiên tiến, thiết lập sự công bằng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ chuyển giao một số kỹ thuật về kết hợp xương, cẳng, bàn tay cho bệnh viện đa khoa các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, công tác chỉ đạo tuyến được thực hiện tích cực nhiều năm nay thông qua công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức các lớp tập huấn về hệ thống quản lý và giám sát thông tin điện tử trong phòng, chống bệnh lao Vitimes cho cán bộ chống lao tuyến huyện; tập huấn triển khai hoạt động phòng, chống lao trẻ em cho cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, huyện; tập huấn đóng gói vận chuyển mẫu đờm kháng thuốc cho cán bộ chống lao tỉnh, huyện; tập huấn quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Nhiều năm qua, công tác chỉ đạo tuyến có vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Xác định tầm quan trọng của công tác chỉ đạo tuyến, hằng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo tuyến để triển khai tới các đơn vị khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Căn cứ kế hoạch của ngành, các đơn vị xây dựng kế hoạch theo tình hình thực tế của đơn vị để thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu trong công tác chỉ đạo tuyến là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán và điều trị một số bệnh tâm thần, công tác quản lý bệnh viện Tâm thần tại cộng đồng cho cán bộ y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bệnh viện Phụ sản tỉnh cử cán bộ đến hỗ trợ chuyên môn cho các Bệnh viện Đa khoa: Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Thành phố Nam Định. Tại các bệnh viện, các cán bộ y tế đã được chuyển giao hỗ trợ các kỹ thuật đa khoa, chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, các bệnh về tim mạch, các kỹ thuật phẫu thuật bụng, sử dụng thiết bị y tế như Mornitoring, máy truyền dịch... Nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu chữa kịp thời tại chỗ, không phải chuyển lên tuyến trên, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành của cán bộ y tế tuyến cơ sở được nâng lên. Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, các đơn vị y tế tuyến trên còn nhận cán bộ y tế tuyến dưới lên học tập tại đơn vị. Khi được luân chuyển lên tuyến trên học tập, đội ngũ y tế tuyến dưới đã được tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân để áp dụng vào thực tế công việc hằng ngày, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Qua công tác chỉ đạo tuyến, nhiều kỹ thuật được chuyển giao, nhiều lớp đào tạo, tập huấn được mở cho nhiều cán bộ y tế tuyến dưới, từ đó góp phần nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến giảm khoảng 0,21% mỗi năm. Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao hơn 100 kỹ thuật cho 62 lượt cán bộ y tế tuyến huyện. Các bệnh viện tuyến huyện đã chuyển giao kỹ thuật cho gần 70 lượt cán bộ y tế tuyến xã; các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận hơn 120 kỹ thuật… Trong quá trình thực hiện chỉ đạo tuyến, cán bộ các bệnh viện tuyến tỉnh đã cùng các cán bộ bệnh viện tuyến huyện; cán bộ tuyến huyện đã cùng cán bộ trạm y tế tuyến xã trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân, giúp cán bộ y tế tuyến dưới được “tai nghe, mắt thấy” để dễ ứng dụng vào công việc thực tế.
Công tác chỉ đạo tuyến đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến trong tỉnh, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị tại các bệnh viện tuyến cơ sở./.
Bài và ảnh: Minh Thuận