Xung quanh các lớp dạy kỹ năng sống cho thiếu nhi trong dịp hè

10:06, 13/06/2015

Hiện nay, đa phần học sinh thiếu kỹ năng sống (KNS) trong khi ngành GD và ĐT chưa có một bộ chương trình chuẩn quy định về thời lượng, kiến thức KNS cho học sinh. Vì vậy, tranh thủ những tháng nghỉ hè, nhiều phụ huynh ráo riết tìm những lớp huấn luyện KNS cho trẻ với kỳ vọng: Trẻ sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh để vững bước vào đời.

Cuối tháng 5-2015, Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định đã tổ chức tuyển sinh khóa học KNS dành cho học sinh từ 6 đến 17 tuổi, bao gồm các nội dung: kỹ năng thuyết trình, thuyết phục; kỹ năng giao tiếp hiệu quả và ứng xử thông minh; phương pháp học tập hiệu quả và tư duy sáng tạo; kỹ năng làm việc đồng đội và lãnh đạo đội; kỹ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian… Nhận được tờ rơi quảng cáo về các khóa học, chị Hạnh có con gái chuẩn bị lên lớp 5 đã đến để đăng ký cho con tham gia khóa học Kỹ năng giao tiếp hiệu quả và ứng xử thông minh. Chị cho biết, ở nhà con chị rất hay “chạnh chọe” với em nhưng khi ra chỗ đông người thì cháu lại nhút nhát, thiếu tự tin. Nếu đi với bố mẹ ra ngoài, ai hỏi gì cháu cũng chỉ cười hoặc cúi mặt xuống “nhường” câu trả lời cho bố mẹ. Vì vậy, chị rất mong con gái mình tham gia khóa học xong sẽ linh hoạt, tự tin hơn trong giao tiếp.

Các em thiếu nhi Thành phố Nam Định tham gia trò chơi ném bóng rèn luyện kỹ năng tập trung, hoạt động nhóm do đoàn viên, thanh niên các trường đại học, cao đẳng hướng dẫn.
Các em thiếu nhi Thành phố Nam Định tham gia trò chơi ném bóng rèn luyện kỹ năng tập trung, hoạt động nhóm do đoàn viên, thanh niên các trường đại học, cao đẳng hướng dẫn.

Thực tế trong xã hội hiện đại, KNS đối với trẻ là điều rất quan trọng. KNS cho trẻ bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng, đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước người khác… Nhưng do học sinh còn thiếu kết nối với cuộc sống xung quanh, cha mẹ không có đủ kiến thức và thời gian để dạy cho con cái nên nhiều thanh, thiếu niên hiện nay học rất giỏi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ… trong trường học, nhưng lại nhút nhát, thiếu tự tin; một bộ phận các em có lối sống ích kỷ, hời hợt, chỉ biết bản thân mình và thờ ơ với những gì đang xảy ra xung quanh. Bạo lực học đường vẫn diễn ra mà nguyên nhân có khi chỉ vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ giữa học sinh. Nhiều học sinh không biết xử lý, ứng phó thế nào trước các tình huống trong cuộc sống. Trong khi ngành GD và ĐT đang quá coi trọng kiến thức hàn lâm mà nhẹ về trang bị KNS cho học sinh. Nhiều bậc phụ huynh thừa nhận, áp lực có một tấm bằng đại học khiến họ luôn thúc giục các con học. Học ở trường chưa đủ, phải tới nhà riêng của thầy cô, thuê gia sư về dạy. Cô Tống Thị Xuyến, giáo viên Trường Tiểu học Lộc Hòa (TP Nam Định) cho biết: “Nhiều phụ huynh tâm sự rằng, xã hội bây giờ có quá nhiều cám dỗ nên để đảm bảo con đi học “đến nơi về đến chốn”, phụ huynh phải đưa đón, dù con đã học lớp 12. Hơn nữa học sinh ngoài học chính khóa còn tham gia các lớp học thêm, luyện thi theo ca. Có những em về đến nhà đã 10 giờ đêm, lại tiếp tục học. Như vậy làm gì có thời gian mà vui chơi, giải trí hoặc giúp bố mẹ việc nhà”. Chính điều đó, nhiều người biến con trở thành “gà công nghiệp”, gặp rất nhiều khó khăn khi vào đời. Những băn khoăn của phụ huynh về KNS cho học sinh đã góp phần cho các lớp dạy KNS ra đời. Theo khảo sát, riêng trên địa bàn Thành phố Nam Định đã có gần chục lớp dạy KNS được mở, góp phần “bù đắp” cho sự thiếu hụt các KNS của trẻ khi mà việc học chữ chiếm hết thời gian của các em. Việc cho trẻ tham gia các khóa học KNS nếu đảm bảo các tiêu chí sẽ giúp trẻ cứng cáp, trưởng thành cũng như biết chia sẻ, yêu thương bố mẹ, mọi người xung quanh hơn. Tuy nhiên, việc học chỉ hiệu quả khi phụ huynh biết con mình cần cái gì, yếu cái gì… để lựa chọn nội dung, khóa học sao cho phù hợp. Thực tế, không phải phụ huynh nào cũng biết chính xác điểm yếu, điểm mạnh của con và khi tiếp cận với các chương trình dạy KNS chủ yếu cũng chỉ tìm hiểu về mặt lý thuyết, bản thân họ cũng chưa từng được “trải nghiệm” nên không tránh khỏi sự lúng túng. Trong khi đó, không ít các lớp dạy KNS được mở ra với mục đích kiếm tiền, gây ra những ảo tưởng nhằm thu hút phụ huynh. Nhất là khi tình trạng quản lý các chương trình đào tạo này chưa được chặt chẽ. Một khóa học về kỹ năng thuyết trình - thuyết phục, được quảng cáo là sẽ huấn luyện cho các em về: tự tin, chủ động trình bày ý tưởng, quan điểm của mình; thấu hiểu tâm lý người khác để lựa chọn thời điểm, cách thuyết phục người nghe; sử dụng thành thạo phi ngôn từ - ngôn ngữ cơ thể để minh họa cho bài nói; chuẩn bị và thể hiện bài nói theo cấu trúc mở - thân - kết thúc; đặt câu hỏi dẫn dắt người nghe vào bài nói, thuyết phục người nghe. Khóa học diễn ra trong 9 buổi với kinh phí từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng. Với nhiều nội dung diễn ra trong khóa học chỉ vẻn vẹn có 9 buổi, khó có thể rèn cho học sinh có được kỹ năng về thuyết trình - thuyết phục. Hay như để có kỹ năng giao tiếp hiệu quả và ứng xử thông minh, chỉ trong có 9-10 buổi, học sinh lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi có thể có khả năng để học: chào hỏi, lễ phép, ăn - nghi thức giao tiếp truyền thống văn hóa người Việt; chủ động giao tiếp làm quen với người bạn mới, tạo lập mối quan hệ mới, tiếp khách khi bố mẹ vắng nhà, nhưng khó có thể ngay lập tức có được kỹ năng: lắng nghe để thấu hiểu và hồi đáp trong giao tiếp; nghệ thuật chinh phục lòng người; kỹ năng giải quyết xung đột - biến những mâu thuẫn thành sự đột phá trong mối quan hệ; nghệ thuật giao tiếp qua điện thoại; ứng dụng quy tắc một chạm trong giao tiếp, sắp xếp nếp sống theo sự thuận tiện… như nội dung quảng cáo cho khóa học. Bên cạnh đó, nếu trải qua khóa học, các em không được tiếp tục theo dõi, hỗ trợ từ nơi đào tạo kết hợp với quan tâm, rèn giũa của gia đình thì khó có thể có được KNS như cha mẹ mong muốn.

Việc giáo dục KNS góp phần giải quyết tình trạng trẻ thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, thậm chí không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ..., giúp trẻ hình thành những kỹ năng tâm lý - xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. Đó là những kỹ năng mỗi người cần phải biết để có được sự điều chỉnh, ứng xử phù hợp với những thay đổi diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Tuy nhiên, để các em thật sự có được những KNS cần thiết, cần có chương trình chuẩn về giáo dục KNS, kèm theo việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ phù hợp, quy định rõ ràng các hoạt động tập thể lồng ghép giáo dục KNS, tránh tình trạng mỗi nơi dạy một kiểu như hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com