Xây dựng đội ngũ cán bộ dân số tham gia mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS

07:06, 18/06/2015

Từ năm 2009, được sự quan tâm của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, mô hình thí điểm chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng được triển khai ở 18 xã, phường, thị trấn của huyện Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Năm 2014, mô hình tiếp tục được nhân rộng ở 11 xã của huyện Giao Thủy. Mô hình do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tài trợ. Công tác chăm sóc hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS dựa trên đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số tại cơ sở. Qua hơn 5 năm triển khai, mô hình đã khẳng định được ý nghĩa nhân văn trong việc tăng cường kiến thức về HIV/AIDS cho cộng đồng, từ đó giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV. Kết quả đó có đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ dân số tham gia mô hình.

Chị Trần Thị Xuân Hương, cán bộ chuyên trách dân số phường Trường Thi (TP Nam Định) đã có 10 năm làm công tác dân số. Với kinh nghiệm và lòng nhiệt tình, ngay khi mô hình được triển khai tại phường, chị đã được lựa chọn tham gia vào đội ngũ nhân viên tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV. Chị Hương nhớ lại: “Những ngày đầu tiếp cận đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã từng bị đối tượng nhiễm HIV và cả người thân của họ phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên, nhận thấy mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV, tôi kiên trì xuống các gia đình vận động, thuyết phục, thay đổi suy nghĩ của họ. Nguyên tắc đầu tiên khi tham gia mô hình này đối với tôi là phải giữ bí mật cho đối tượng mình tư vấn để tạo sự tin tưởng của đối tượng. Ngoài ra, mình phải thân thiện, hòa đồng, chia sẻ với họ những khó khăn, đặc biệt là động viên họ về mặt tinh thần để những người nhiễm HIV giảm bớt mặc cảm, tự ti”. Sau một quá trình dài tư vấn, dần dần một số đối tượng hợp tác với chị và còn dẫn chị đến tiếp cận với đối tượng khác. Những khó khăn mà chị Hương đang gặp phải cũng là khó khăn chung của các cán bộ dân số tham gia mô hình. Bởi hầu hết những người có HIV đều khó khăn về kinh tế; một số người thường xuyên đi làm ăn xa nên khó tiếp cận; thái độ né tránh, thiếu thông cảm, phân biệt đối xử vẫn còn diễn ra thường xuyên đối với người có HIV làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị hiện có và cản trở tuân thủ điều trị. Chị Nguyễn Thị Kiểu, cán bộ chuyên trách dân số, nhân viên chăm sóc đối tượng nhiễm HIV của xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) tâm sự: “Ở nông thôn sự kỳ thị của người dân đối với người bị nhiễm HIV còn quá lớn nên mới xảy ra chuyện đau lòng là khi có người nhiễm HIV bị chết, trong làng không ai dám đến giúp nhà hiếu lo việc tang vì sợ bị lây nhiễm HIV. Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của mô hình, góp phần từng bước giảm kỳ thị của người dân đối với người nhiễm HIV”.

Trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV cho các cán bộ dân số tham gia mô hình.
Trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV cho các cán bộ dân số tham gia mô hình.

Qua hơn 5 năm triển khai mô hình, các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh đã cung cấp, hỗ trợ dịch vụ chăm sóc cho hàng nghìn người nhiễm HIV và người thân của người nhiễm HIV, cấp bao cao su cho đối tượng nhiễm HIV, vận động được nhiều đối tượng đến các phòng khám ngoại trú để xét nghiệm, điều trị kịp thời. Một số nhân viên chăm sóc còn hỗ trợ tìm việc làm cho người nhiễm HIV, giúp họ có thu nhập từ nghề rửa xe, phụ hồ. Ngoài ra, người nhiễm HIV còn được chuyển gửi đến khám lao, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; người thân của người nhiễm HIV được giới thiệu đến chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng, Ban quản lý mô hình tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên chăm sóc. Các cán bộ dân số đã được học và thực hành những kiến thức bổ ích, có ý nghĩa thực tế về hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị tại phòng khám ngoại trú; hỗ trợ tuân thủ điều trị; giao tiếp tư vấn khách hàng; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; chuyển gửi và theo dõi, lập kế hoạch sinh con cho các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi HIV. Trên cơ sở những kiến thức cơ bản và nâng cao tiếp thu được, các nhóm chăm sóc tại nhà đã tổ chức tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương để huy động sự ủng hộ và các nguồn lực sẵn có, hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và giảm sự phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với các phòng khám khu vực để giới thiệu những người có nguy cơ cao đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, chuyển gửi những người nhiễm HIV tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc điều trị và thường xuyên tái khám kiểm tra sức khỏe để có can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Tích cực vận động các tổ chức xã hội đóng góp kinh phí, tạo công ăn việc làm cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Duy trì chăm sóc cho những người đã được tiếp cận, đồng thời mở rộng mô hình chăm sóc cho những người mới…

Với sự đồng cảm, gần gũi, lòng nhiệt tình, các cán bộ dân số tham gia mô hình đã và đang đóng góp tích cực cho “cuộc chiến” phòng, chống AIDS ở tỉnh ta hiện nay./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com