Mùa hè là thời điểm trẻ em được nghỉ học, được vui chơi thỏa thích, nhưng cũng là thời điểm các bậc phụ huynh tất tả lo toan việc quản lý con em. Bởi với bản tính hiếu động của tuổi nhỏ, lại không có sự giám sát của người lớn, các em thường rất dễ bị các tai nạn như đuối nước, điện giật, ngã từ trên cao xuống, hoặc những trò chơi không an toàn như đá bóng, trượt pa tanh giữa lòng đường… Đặc biệt, nhiều trường hợp do không có sự trông nom, nhắc nhở của người lớn nên đã xảy ra tai nạn thương tâm. Cách đây ít lâu, đã xảy ra trường hợp một học sinh lớp 5 học thêm tại một trung tâm ngoại ngữ, trong giờ giải lao do bất cẩn đã ngã từ tầng 2 của tòa nhà xuống và tử vong. Cách đây hơn 1 tháng một cháu trai khoảng 12 tuổi ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) theo bạn đi bơi, do không biết bơi nên đứng trên bờ. Lúc bạn không để ý, cháu đã trượt chân ngã xuống nước và bị chết đuối. Mới đây có trường hợp cháu bé ở xã Hải Minh (Hải Hậu) chạy từ trong ngõ ra đường dong không có người giám sát, bị công nông xô phải và tử vong tại chỗ.
Một buổi tập múa của các cháu thiếu nhi tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định. |
Trước nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đối với trẻ em trong dịp nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh đã rất lo lắng và nghĩ ra nhiều “kế sách” nhằm đối phó với mấy tháng nghỉ hè của con. Đối với chị Thu Huệ, đường Điện Biên (TP Nam Định), mấy tháng hè là mấy tháng chị vô cùng vất vả, bởi với lịch làm việc kín tuần, chị vừa phải đi làm lại vừa phải thu xếp công việc để trông nom 2 con nghỉ hè. Để “giải quyết” thời gian con nghỉ hè, ngay từ đầu tháng 6, chị đã làm thẻ để các cháu đến Thư viện tỉnh đọc sách, báo. Đây là “giải pháp” tình thế mà chị áp dụng vài năm nay và được chị cho là an toàn bởi ở phòng đọc thiếu nhi của thư viện còn có cô thủ thư trông nom các cháu, còn ở nhà các cháu chơi đùa không có sự giám sát của người lớn nên rất nguy hiểm. Chị Tâm làm ở một cơ quan Nhà nước, chồng lái xe tuyến Bắc - Nam nên vắng nhà thường xuyên. Để “giải quyết” kỳ nghỉ hè cho cậu con trai 8 tuổi, chị đã đăng ký cho cháu sinh hoạt tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định với lịch sinh hoạt dày đặc trong ngày và kín cả tuần: học vẽ, học võ, học bơi, học đánh cờ, học tin học, học tiếng Anh… Mỗi ngày, ca học bắt đầu từ 7h15 phút đến 9h15 phút sáng, rồi ca khác từ 9h15 phút đến 11h15 phút để khi kết thúc công việc ở cơ quan, chị lại đón cháu về nhà. Buổi chiều của cháu lại bắt đầu tại Nhà Văn hóa thiếu nhi với các môn học khác từ 2h đến 5h, trùng với lịch làm việc của mẹ. Chị cho biết: Cho cháu đi sinh hoạt tại Nhà văn hóa thiếu nhi để khỏi lo cháu ở nhà nghịch ngợm, tránh được tai nạn thương tích, lại phòng được bệnh tự kỷ mà trẻ em giờ rất hay mắc phải. Chị Trang có con trai sang năm lên lớp 3, học lực của cháu cũng vào loại “thường thường” nên hè này chị liên lạc với cô giáo cho cháu đi học thêm các môn Toán, tiếng Việt. Chị cho biết: Cháu đi học thì còn có cô giáo quản lý được buổi nào hay buổi ấy cho đến khi bước vào năm học mới; nếu để cháu ở nhà thì không yên tâm. Có nhiều cháu ở nhà xem tivi và chơi điện tử nhiều quá, không có thời gian cho mắt nghỉ ngơi, kết quả là sau 2 tháng hè, mắt đã bị cận lên 2,5-3 đi-ốp.
Vào mỗi kỳ nghỉ hè, việc cần có “sân chơi” cho trẻ em lại là nhu cầu bức thiết. Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định nhiều năm nay là sân chơi lý tưởng đối với trẻ em thành phố trong dịp hè. Tuy nhiên, do cơ cấu thời gian học và các môn học, các lớp học vẽ, múa, họa, nhạc… được tổ chức vào một số ngày trong tuần, thời gian mỗi môn học khoảng 2 tiếng, đều trong quãng thời gian mà những phụ huynh là cán bộ, công chức đang trong giờ hành chính nên khó có thể đón con sau buổi học. Thế nên nhiều gia đình dù rất muốn cho con tham gia sinh hoạt tại Nhà Văn hóa nhưng không thể thu xếp thời gian hợp lý. Tại trung tâm thành phố, nơi tập trung các điểm vui chơi cho trẻ em nhưng trò chơi cũng nghèo nàn, đơn điệu với các trò như lái ô tô đồ chơi, đu quay, lái tàu vào mỗi buổi chiều tối trên diện tích chật hẹp, chưa kể thiết bị phục vụ vui chơi lại cũ kỹ, thiếu sự an toàn đối với trẻ mà giá các dịch vụ lại không hề nhỏ. Tại khu vực hồ Vỵ Xuyên (TP Nam Định) thời điểm gần đây, người dân đã quen với “bóng dáng” của những xe xích lô mi ni phát nhạc do các em nhỏ tự lái. Tuy nhiên, với giá 30-40 nghìn đồng/tiếng thì không phải ai cũng có điều kiện để thuê cho con mình chơi mỗi ngày. Việc thiếu sân chơi cho trẻ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em chọn quán internet để giải trí hay ở nhà chơi game khi bố mẹ đi làm. Hậu quả là đã có em bị những tác động tiêu cực từ game như chứng hoang tưởng, mất tập trung… Ở khu vực nông thôn, do thiếu sân chơi, thiếu sự quản lý, nên các em thường tụ tập và chơi thả diều, đá bóng, tắm… bên bờ sông, trên các tuyến đường, thậm chí trên cả đồng ruộng mà không có người giám sát… khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì nguy cơ xảy ra tai nạn từ các trò chơi này là rất cao.
Để phòng, tránh tai nạn cho trẻ em mỗi dịp nghỉ hè thì việc quan tâm đến trẻ phải được ưu tiên hàng đầu ở ngay trong các gia đình và toàn xã hội. Mọi sinh hoạt của trẻ trong dịp hè cần được các bậc cha mẹ kiểm soát chặt chẽ để đề phòng điện giật, bỏng, ngã, vật nhọn đâm vào trẻ… Đối với trẻ còn nhỏ thì luôn phải có người lớn ở bên cạnh, không để trẻ ở nhà một mình. Các bậc phụ huynh cũng dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng tránh tai nạn thương tích, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng phòng, tránh khi gặp sự cố bất ngờ. Có như vậy mới góp phần tạo cho trẻ những kỹ năng sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, hạn chế tai nạn thương tích./.
Bài và ảnh: Minh Thuận