Văn minh đô thị

09:06, 12/06/2015

Lâu rồi, vợ chồng cô em gái anh Khoa mới ra thành phố chơi. Nhìn con đường vào nhà anh trai đã được cải tạo phong quang, sạch sẽ, không còn cảnh mấp mô đất đá, rác thải ven đường như trước đây, cô em gái anh Khoa hứng khởi ra mặt. Sau hơn một giờ thoải mái thăm thú, ngó nghiêng các quầy hàng quanh chợ gần nhà, em gái anh phấn khởi nói với chị dâu:

- Thành phố bây giờ đổi thay nhanh thật! Chỉ là chợ nhỏ thôi mà hàng hóa ê chề, thứ gì cũng có. Điều đáng nói là kỹ năng bán hàng, trưng bày hàng hóa, nhất là thái độ của người bán hàng rất thân thiện. Em ở quê ra, nhìn là biết ngay nhưng họ rất tôn trọng, đon đả chào mời. Khi đến khu bán quần áo, những người bán hàng đều mời em thử thoải mái và không nói thách nhiều. Bởi vậy, dù không thật sự có nhu cầu, em cũng mua thêm vài bộ về mặc. Chị xem, hàng đẹp thế này mà giá chỉ bằng hai phần ba so với mua ở quê. Đúng là văn minh đô thị!

Nghe cô em chồng nói vậy, chị vợ anh Khoa cũng thấy tự hào! Nhưng rồi sợ cô em chồng sống ở quê mặc cảm, chạnh lòng nên chị khéo léo đưa đẩy:

- Quê mình bây giờ cũng khác gì thành phố. Đường xá đi lại thuận tiện, nhà cao cửa rộng san sát, hàng hóa cũng có thiếu thứ gì đâu?

Đang vui nhưng chợt nhớ ra chuyện xảy ra khi đi chợ huyện mấy hôm trước, cô em chồng bỗng dưng “bốc hỏa”:

- Nhìn bề ngoài thì đúng như vậy nhưng cuộc sống ở quê giờ đã xuất hiện nhiều điều “chướng tai, gai mắt” lắm chị ạ! Bản tính của người quê mình là thích thể hiện. Có tiền là họ đua nhau xây sửa nhà cửa, mua xe đẹp cho “oai” chứ ít người đầu tư cho phát triển sản xuất. Còn cách ứng xử thì “trọng phú, khinh bần”. Hôm nọ em và mấy người bạn lên phố huyện, vào mấy cửa hàng bán quần áo, họ hét giá “trên trời”; hỏi giá mà không mặc cả, không mua, chưa đi, họ đã bày trò đốt vía, chửi đổng. Thật quá quắt!

Thấy câu chuyện của hai chị em liên quan đến vấn đề xã hội, anh Khoa liền hồ hởi lý giải:

- Đúng là quá trình đô thị hóa ở các vùng quê trong tỉnh thời gian qua diễn ra nhanh chóng nhưng vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị chưa được quan tâm tương xứng nên một số người mới có cách hành xử như vậy. Bản tính của dân mình là dễ thích ứng với hoàn cảnh mới. Chắc rằng, với những quy định về quy ước nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng và với sức đề kháng văn hóa của những người dân quê, họ sẽ từng bước điều chỉnh để cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đó cũng là khát vọng chính đáng của mỗi người dân nông thôn trong quá trình đô thị hóa./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com