Thời gian qua, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở. Qua đó, nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Trực Ninh hướng dẫn kỹ năng hoà giải cho cán bộ hội cơ sở. |
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các xã, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải theo đúng Luật Hòa giải cơ sở, trong đó tham gia tổ hòa giải cơ sở là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban Mặt trận; chi hội trưởng các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi và trưởng dòng họ. Toàn huyện hiện có 21 Ban hòa giải ở các xã, thị trấn và 390 tổ hoà giải với 2.174 hoà giải viên ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên. Từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức tập huấn cho trên 100 thành viên Ban hòa giải các xã, thị trấn về kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự, thuyết phục các bên tranh chấp; phối hợp giữa tuyên truyền pháp luật và hoà giải cơ sở; lập biên bản xử lý vụ việc; báo cáo kết quả hoà giải; thực hành xử lý các tranh chấp diễn ra trong đời sống dân cư... Ban hòa giải các xã, thị trấn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ hòa giải, duy trì việc tổ chức sinh hoạt theo từng quý, đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải cơ sở; đồng thời thường xuyên cùng với các tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thị trấn Cát Thành là một trong những điển hình làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở của huyện Trực Ninh. Hiện thị trấn có 26 tổ hòa giải ở các tổ dân phố, mỗi tổ có từ 5 đến 7 thành viên là những người có uy tín tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Đức Thỉnh, Chủ tịch UBND Thị trấn Cát Thành cho biết: Là trung tâm miền hạ của huyện Trực Ninh, Thị trấn Cát Thành có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn phức tạp có thể phát sinh trong cộng đồng dân cư. Trung bình mỗi năm, Ban hòa giải ở Thị trấn Cát Thành và các tổ hoà giải ở cơ sở đều tiếp nhận hàng chục trường hợp khiếu kiện, tranh chấp, chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng, hợp đồng mua bán, tranh chấp về đất đai... Trước tình hình trên, UBND thị trấn đã chỉ đạo các tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, khi có mâu thuẫn phát sinh ở địa bàn dân cư phải báo ngay cho Ban hòa giải thị trấn để phối hợp kịp thời giải quyết. Qua đó hằng năm, các trường hợp khiếu kiện, tranh chấp trong các lĩnh vực quan hệ hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn họ hàng, làng xóm, tranh chấp đất đai được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở; tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc luôn đạt 85-90%; số lượng đơn thư trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhiều năm nay, thị trấn không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Cùng với UBND các xã, thị trấn, các Hội đoàn thể trong huyện như Ủy ban MTTQ, Hội LHPN, Hội Nông dân huyện cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho hội viên là thành viên Ban hòa giải các xã, thị trấn và các tổ hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các đoàn thể trong huyện đã tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới như: Luật Hòa giải ở cơ sở, Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai năm 2013, Luật Tiếp công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính… thông qua việc lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt chi hội, các CLB pháp luật. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho thành viên các tổ hòa giải ở cơ sở. Đồng chí Vũ Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trực Ninh cho biết: “Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội nên ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn lựa chọn hội viên tham gia vào các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay tại các Ban hòa giải của các xã, thị trấn và các tổ hòa giải tại địa bàn dân cư đều có hội viên phụ nữ tham gia với 499 thành viên. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho hội viên phụ nữ.
Nhờ quan tâm đến công tác hòa giải cơ sở nên hằng năm, các vụ việc hòa giải thành công trên địa bàn huyện Trực Ninh đạt tỷ lệ 80-85%. Từ đầu năm đến nay, huyện đã hòa giải thành công 130/168 vụ việc, đạt tỷ lệ 77,3%. Các địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là: Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành; các xã Trực Hưng, Trực Khang, Trực Chính… Thông qua công tác hòa giải đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng