Xã Trực Hưng (Trực Ninh) là một trong 6 đơn vị được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, tạo không khí sôi nổi phấn khởi, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các xóm hoàn thiện hệ thống hương ước, bổ sung các quy định mới sát với các tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Ở các thôn đều thành lập Ban xây dựng hương ước với sự tham gia của các chi hội, thông qua các buổi họp dân từng chương, từng điều quy định trong hương ước được nhân dân đóng góp ý kiến cụ thể. Trong hệ thống hương ước các thôn ở Trực Hưng đều có một chương về các quy định thực hiện KHHGĐ. Hương ước của mỗi thôn đã cụ thể hoá chính sách dân số, gia đình và trẻ em thành các điều khoản, đề cao trách nhiệm, ràng buộc từng cá nhân, từng gia đình với cộng đồng thôn, xóm. Bên cạnh đó, các phong trào “Thôn, xóm không có người sinh con thứ 3”, “CLB không sinh con thứ 3”, “CLB tiền hôn nhân” ở 7 thôn đều có bước phát triển mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt. Nhờ đó, nhiều năm liền các thôn Phú Mỹ, Quỹ Trại, Hồng Tiến không có trường hợp sinh con thứ 3. Nhằm huy động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT, xã nhân rộng mô hình “thôn, xóm bình yên”, tích cực phòng ngừa các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các họ tộc trong xã còn vận động con em tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tham gia tổ hòa giải, giữ bình yên thôn, xóm. Tiêu biểu như các dòng họ Nguyễn (thôn Hồng Tiến), Lương (thôn Cự Phú), Đoàn (thôn Phú Mỹ)... Vì vậy, nhiều năm qua xã duy trì tình hình ANTT ổn định, nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Ở thôn Phú Mỹ, hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa, Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá của thôn được thành lập, phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Đoàn Thanh niên… tích cực triển khai, phổ biến quy ước xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hóa. Trong thôn, các đoàn thể nhân dân đã đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá gắn với các mục tiêu giảm nghèo, thực hiện tốt công tác KHHGĐ; gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đến nay, hệ thống đường dong, ngõ xóm của thôn được bê tông hoá. NVH thôn được xây dựng năm 2011 bằng nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân, góp phần đưa phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT của thôn phát triển. Thôn Nhật Tân với khoảng 600 khẩu là thôn đầu tiên trong xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh năm 2005. Hưởng ứng phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Cán bộ, đảng viên trong thôn luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia các lớp chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thử nghiệm giống mới, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó vận động người dân làm theo. Đến nay, thôn có 60% số hộ khá, giàu; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn. Việc thực hiện quy chế, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong thôn có nhiều khởi sắc; các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu bị dẹp bỏ. Đến nay, tỷ lệ hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của thôn là 97%. Thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, đến nay cả 7 thôn trong xã đều đạt tiêu chuẩn làng văn hoá. Các thiết chế văn hóa của xã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Khu Trung tâm văn hóa - thể thao xã có diện tích tổng thể 4.000m2, hội trường NVH 350 chỗ ngồi, phòng Thông tin - truyền thông, phòng truyền thống, thư viện… Cả 7 thôn trong xã đều có NVH và sân tập thể thao đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Các thiết chế văn hóa từ xã đến các thôn đều hoạt động hiệu quả. Các xóm đều thành lập CLB NVH xóm để quản lý các hoạt động NVH. Từ những NVH xóm, các đội văn nghệ, các CLB thể thao ở các xóm hoạt động sôi nổi. Ở thị tứ Chợ Đền (gồm 4 thôn Nhật Tân, Phú Mỹ, Quỹ Thượng, Quỹ Trại), đội văn nghệ quần chúng được thành lập với gần 10 thành viên thường xuyên tập luyện và biểu diễn các ca khúc cách mạng. NVH xã là nơi tập luyện thường xuyên của CLB văn nghệ quần chúng xã Trực Hưng. CLB có trên 20 thành viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên; năm 2014 đã giành giải nhất văn nghệ quần chúng trong tuần văn hóa của huyện. Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã được bảo tồn và phát huy giá trị. Xã có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm di tích đền Trần và đền Quỹ Đê. Hằng năm tại các di tích, trên địa bàn xã, các lễ hội được tổ chức đảm bảo các nghi lễ trang trọng, tiết kiệm, khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê.
Những kết quả đã đạt được trong phong trào xây dựng làng văn hóa ở Trực Hưng đã góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong lao động sản xuất và đời sống, xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Viết Dư