Ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20-3-2014 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh là một trong những giải pháp để thực hiện chiến lược. Thời gian qua, tỉnh đã xác định tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn của các đô thị mà là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được; trong đó Thành phố Nam Định được coi là trọng tâm thực hiện chiến lược về đô thị xanh.
Nhân viên Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định chăm sóc hoa tại dải phân cách đường Trường Chinh (TP Nam Định). |
Với mục tiêu sớm đạt tiêu chí đô thị xanh, Thành phố Nam Định đã tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn các tiêu chí: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh cùng việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa và tạo được nếp sống thân thiện của cộng đồng dân cư với môi trường và thiên nhiên. Nhằm đáp ứng tiêu chí xanh trong kiến trúc đô thị, thành phố đã tập trung quy hoạch không gian xanh đô thị với 3 trọng tâm chính là điểm cây xanh trong lòng đô thị, tuyến đường cây xanh và diện tích mặt hồ, công viên xanh. Khu vực nội thành được quy hoạch mở rộng các mảng xanh với tổng diện tích khoảng 179,55ha (chiếm 10,25% diện tích đất xây dựng đô thị); trong đó chủ yếu mở rộng 2 công viên Vỵ Xuyên và công viên Tức Mặc và xây dựng thêm các đảo giao thông xanh, dải phân cách kết hợp với hoa trang trí. Năm 2014, diện tích đất cây xanh toàn thành phố bình quân theo đầu người là 20m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành 7m2/người. Tổng diện tích mặt nước tại Thành phố Nam Định là 41,77ha với 12 hồ chính. Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành nâng cấp cải tạo, xây dựng kè, tạo cảnh quan tại một số hồ như hồ Truyền Thống, hồ An Trạch, hồ Năng Tĩnh, đầm Bét, đầm Đọ... tạo thành các công viên nhỏ ở giữa các khu dân cư. Hệ thống kênh mương tại thành phố dần được cống hộp bê tông hóa tạo thành các tuyến đường sạch đẹp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống, tạo không gian thông thoáng giữa các khu dân cư. Thành phố còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tham gia xây dựng tuyến phố văn minh tại các tuyến phố chính. Hiện tại, đã có hơn 130 tuyến phố đảm bảo đạt các tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Thông qua việc triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư đã nỗ lực đưa không gian xanh vào các công trình nhà ở dân cư bằng việc tạo mặt nước, nguồn gió, cây xanh để có một không gian tươi mát, trong lành cho môi trường như tại khu đô thị Hòa Vượng, các khu tái định cư khác ở thành phố. Ở những công trình khác như các khu chung cư, công trình thương mại, các cơ sở sản xuất tại các KCN, CCN, các chủ đầu tư cũng đã cố gắng tạo nên những mảng xanh, những hình khối bê tông đơn điệu dần được chuyển đổi bằng các hàng cây xanh. Một trong những yếu tố tạo nên đô thị xanh, kiến trúc xanh là việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Đối với các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn Nhà nước, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng gạch không nung. Hiện tại, thành phố đã có hơn 36 công trình sử dụng gạch không nung là vật liệu xây lắp chính như Trường Tiểu học Chu Văn An, Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, dự án cải tạo công viên Tức Mặc, trụ sở Phòng Y tế Thành phố Nam Định, trụ sở Thành Đoàn Nam Định, khu tái định cư Bãi Viên… Trên địa bàn thành phố có KCN Hòa Xá và CCN An Xá đều đã được xây dựng hệ thống trạm xử lý nước thải chuyên biệt đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường. Các doanh nghiệp cũng tập trung đổi mới dây chuyền công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sản xuất, quy trình sản xuất khép kín và hệ thống xử lý nước thải khép kín thân thiện với môi trường như Cty CP Thủy Bình (KCN Hòa Xá), Cty TNHH Đúc thép Thắng Lợi (CCN An Xá), Cty CP Lâm sản Nam Định, Cty CP Bia Nada… Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, thành phố cũng chủ động tuyên truyền tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về lợi ích của việc “tiêu dùng xanh”, cách nhận biết sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường; cách sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi gia đình, nâng cao ý thức hạn chế xả rác thải ra môi trường hay những hành động gây tổn hại cho môi trường sống...
Thời gian tới, thành phố chủ động tuyên truyền, vận động toàn dân đẩy mạnh phong trào trồng cây và tăng số cây xanh trồng thêm; chống lấn chiếm mặt nước và thảm cỏ; tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nội và ngoại thành; tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, đốt, chôn lấp rác hợp vệ sinh. Xây dựng thói quen không vứt rác ra đường và nơi công cộng, duy trì phong trào tổng vệ sinh định kỳ. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước (ao, hồ, sông). Thành phố còn có kế hoạch chỉnh trang hạ tầng đô thị, chỉnh trang vỉa hè, đường, ngõ, xóm, công viên, vườn hoa. Tăng phương tiện vận tải hành khách công cộng và sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông đô thị… Với các biện pháp đồng bộ, chắc chắn Thành phố Nam Định sẽ trở thành đô thị xanh trong tương lai không xa./.
Bài và ảnh: Đức Toàn