Quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch

07:06, 11/06/2015

Sản phẩm du lịch bao gồm yếu tố tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn và các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, các dịch vụ bổ trợ để phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, tỉnh ta đã hình thành và khai thác một số sản phẩm du lịch: văn hoá - tâm linh, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng biển, du khảo đồng quê... Năm 2014, lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt 2,06 triệu lượt, tăng 6,7%; thu nhập du lịch ước đạt 466 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2013. Trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách đến các khu, điểm du lịch tỉnh đạt gần 800 nghìn lượt, tăng 5,1% và thu nhập du lịch tỉnh đạt 115 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2014.

Hướng dẫn học sinh tham quan tại Đền Trần (TP Nam Định).
Hướng dẫn học sinh tham quan tại Đền Trần (TP Nam Định).

Mặc dù ngành Du lịch của tỉnh có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm nhưng thực tế cho thấy lượng khách đến tỉnh và thu nhập từ du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch và dịch vụ còn đơn điệu, chủ yếu khai thác những lợi thế sẵn có, chưa có sự đầu tư mạnh mẽ. Du lịch tham quan, lễ hội được xem là thế mạnh của du lịch tỉnh khi chiếm 60% tổng lượng khách mỗi năm, nhưng lượng khách tham gia loại hình này đang có dấu hiệu chững lại. Tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trong nước nhưng du lịch tham quan làng nghề của tỉnh vẫn chưa phát triển. Du lịch nghỉ dưỡng biển cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh nhưng việc khai thác loại hình du lịch này chưa hiệu quả, lượng khách những năm gần đây có xu thế giảm, trung bình mỗi năm chỉ chiếm 26% tổng lượng khách đến với tỉnh. Một số sản phẩm du lịch khác như du lịch đồng quê, du lịch sinh thái có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do ngành Du lịch tỉnh phát triển thiếu tính quy hoạch; chưa kết nối được các khu, điểm du lịch trong tỉnh thành những chương trình du lịch dài ngày; thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và thiếu chiến lược cụ thể nhằm gắn du lịch tỉnh với du lịch vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật du lịch còn yếu, thiếu đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 547 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 315 cơ sở kinh doanh lưu trú với 4.274 buồng, phòng chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu các khách sạn, nhà nghỉ đạt chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh ta vừa thiếu, vừa yếu, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu, đội ngũ lao động trực tiếp phần lớn chưa qua đào tạo, tập trung nhiều ở các khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ), Thịnh Long (Hải Hậu); tác phong phục vụ, văn hoá ứng xử thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh vẫn chưa được ngành chức năng và các địa phương coi trọng dẫn tới các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thiếu thông tin để tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường du lịch của tỉnh.

Để khai thác các sản phẩm du lịch, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của tỉnh đề ra là ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, chú trọng khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, các Khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long; đẩy nhanh tốc độ xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tập trung các nguồn lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng để thu hút khách du lịch. Đối với Khu di tích lịch sử văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), cần quan tâm trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử theo Dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015”, tổ chức khảo cổ xác định giá trị di sản công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Hành cung Thiên Trường thế kỷ XIII-XIV; nghiên cứu xây dựng trung tâm thông tin giới thiệu bằng nhiều ngôn ngữ về giá trị di sản Đền Trần để du khách hiểu biết sâu hơn về quần thể di tích đặc biệt này. Đối với du lịch tâm linh tín ngưỡng thờ Mẫu tại Quần thể di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích, duy trì phát huy giá trị văn hoá phi vật thể như hoa trượng hội, hát văn, cờ người, thả đèn gắn với tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên, trình hồ sơ để UNESCO sớm công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đối với du lịch làng nghề với sản phẩm truyền thống như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên), làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực)…, cần kết hợp loại hình du lịch tham quan, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho khách quốc tế cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân làng nghề. Phát triển sản phẩm du lịch tự nhiên sinh thái gắn với tiếp tục khai thác Vườn quốc gia Xuân Thuỷ - điểm RAMSAR quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhằm thu hút khách quốc tế; khai thác giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng với hệ sinh thái đất ngập nước thuộc 2 huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng; xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Phát triển sản phẩm du lịch du khảo đồng quê qua việc tham quan các cảnh quan làng quê tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với văn hoá mở đất của cư dân các huyện ven biển Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đường sông trên cơ sở tận dụng hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Đào, sông Hồng, sông Ninh Cơ gắn với khai thác các điểm di tích lịch sử - văn hoá dọc triền sông… Qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đến với tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com