Những kỷ niệm trong nghề báo với người lính biên phòng

08:06, 20/06/2015

Nghề làm báo cho tôi được đi đến nhiều miền quê trong tỉnh, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều con người, hoàn cảnh và trải nghiệm nhiều cảm xúc khác nhau. Và có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là tình cảm và những kỷ niệm với những người lính quân hàm xanh ở nơi đầu sóng.

Kể từ những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề và làm phóng viên tại Báo Nam Định đến nay đã gần 12 năm, đó cũng là ngần ấy thời gian tôi được phân công theo dõi tuyên truyền về mảng biên phòng và được gắn bó, thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm vững tay súng canh giữ cho biển trời quê hương bình yên lặng sóng. Để thu thập tư liệu viết bài, mỗi năm, tôi có rất nhiều chuyến công tác trở đi trở lại các đồn Biên phòng, Hải đội 2 và các xã vùng chân sóng của tỉnh. Trong những chuyến công tác ấy, tôi được tiếp xúc, trò chuyện và được thấu hiểu thêm rất nhiều về công việc, nhiệm vụ cũng như những vất vả, thiếu thốn và sự nỗ lực vượt lên khó khăn trong cuộc sống thường ngày của những người lính biên phòng để giữ gìn sự bình yên cho tuyến biển của tỉnh. Đó là nguồn tư liệu vô cùng dồi dào, phong phú, sống động cho những bài viết về lực lượng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP tỉnh nhà. Trong những chuyến công tác ấy, điều đọng lại đó là tình cảm chân thành, gần gũi, sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo đầy trách nhiệm của các CBCS các đơn vị để tôi có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Và có rất nhiều kỷ niệm để lại ấn tượng trong tôi về những người lính quân hàm xanh. Còn nhớ khoảng 5-6 năm trước đây, đường xá đi lại đến các đồn Biên phòng còn rất khó khăn chứ chưa được thuận tiện như bây giờ. Để đến Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, đứng chân trên địa bàn Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), từ Thành phố Nam Định phải vượt quãng đường gần 60km, qua khá nhiều con đường xấu chưa được cải tạo ở một số xã của huyện Nghĩa Hưng mới đến được gần đại bản doanh của đơn vị. Con đường đê dẫn vào Đồn ngày nắng thì còn có thể chạy xe máy một cách vất vả qua những ổ gà để vào đơn vị nhưng vào những ngày mưa thì quả là thử thách tay lái của những người không thường xuyên qua lại. Còn nhớ mãi lần tôi cùng người bạn đồng nghiệp đến Đồn Ngọc Lâm để lấy tư liệu cho bài viết về chương trình xây dựng “Mái ấm biên cương” của BĐBP. Hôm đó đúng vào ngày mưa, con đường dẫn vào Đồn quá trơn và lầy lội, chúng tôi không đủ tự tin để lái xe máy vào đại bản doanh của đơn vị vì sợ tay lái yếu nhỡ may đường lầy lội, đất đá, cả người, cả xe trơn trượt xuống chân đê. Trước tình huống đó, chúng tôi đành phải gọi điện “cầu cứu” các anh trong đơn vị. Ngay lập tức, các anh cán bộ của đơn vị đã hướng dẫn chúng tôi gửi xe lại ở nhà dân và cử 2 chiến sĩ đi trên 2 chiếc xe Win ra chở chúng tôi vào đơn vị. Sau khi trao đổi, nắm tình hình chung về hoạt động của đơn vị để phục vụ cho bài viết, tôi đề xuất nguyện vọng muốn xuống tận các gia đình mới được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng lại nhà cửa để có những tư liệu cụ thể cho bài viết thêm sinh động. Đề nghị của chúng tôi được các anh sẵn lòng giúp đỡ và chỉ huy Đồn đã cử 2 cán bộ vận động quần chúng đưa chúng tôi xuống địa bàn. Các gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà đều là những hộ gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, lại ở những địa bàn xa xôi nhất, quãng đường đi từ Đồn đến cũng là một khó khăn với chúng tôi vì trời mưa lầy lội và nhiều ở gà, ổ trâu. Nhưng được sự giúp đỡ, nhiệt tình, chu đáo của 2 cán bộ vận động quần chúng đã dành gần cả 1 ngày “đội mưa, đội gió” chở chúng tôi xuống địa bàn gặp gỡ, tìm hiểu, tiếp xúc với một số hộ gia đình và bà con nhân dân, giúp chúng tôi thu thập được rất nhiều tư liệu thực tế cho bài viết và cũng cảm nhận được sâu sắc về tình cảm quân dân, gắn bó thắm thiết của CBCS đơn vị với bà con nhân dân trên địa bàn đứng chân. Chúng tôi hoàn thành công việc của mình khi trời đã chạng vạng tối và cũng thấm mệt sau một ngày “bám, nắm” tại địa bàn nhưng trong lòng cảm thấy rất vui vì tình cảm gần gũi, chân thành của các CBCS Đồn Biên phòng Ngọc Lâm. Trong chuyến thực tế xuống địa bàn đó, ngoài bài viết về chương trình “Mái ấm biên cương”, tôi cũng đã thu thập được thêm rất nhiều tư liệu để hoàn thành thêm bài viết về đề tài nghĩa tình quân dân bền chặt, keo sơn của những người lính quân hàm xanh ở vùng chân sóng của tỉnh.

CBCS Đồn Biên phòng Văn Lý giúp nhân dân xã Hải Lý (Hải Hậu) làm vệ sinh môi trường.
CBCS Đồn Biên phòng Văn Lý giúp nhân dân xã Hải Lý (Hải Hậu) làm vệ sinh môi trường.

Một kỷ niệm cũng khó quên đối với tôi trong những lần tác nghiệp xuống địa bàn cùng với những người lính biên phòng đó là vào dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014, tôi được phân công viết bài về Nghĩa tình quân dân của người lính quân hàm xanh cho số báo Xuân. Hơn 10 năm gắn bó với nghề báo và gắn bó với những người lính biên phòng, hầu như năm nào tôi cũng có bài viết về CBCS biên phòng cho số báo Xuân nên đề tài cho số báo Xuân 2014 đã được tôi chuẩn bị, ấp ủ từ trong năm. Một thuận lợi khi tôi thực hiện bài viết, đây là mảng đề tài mình đã quen thuộc, gắn bó nhiều năm và luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của CBCS các đơn vị biên phòng trong những chuyến công tác. Bên cạnh những thuận lợi cũng đi kèm với khó khăn là đề tài mình viết quen thuộc sẽ dễ bị trùng lặp, đơn điệu nhất là bài viết cho số báo Xuân cần phải đầu tư kỹ lưỡng và yêu cầu chất lượng cao hơn. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định liên hệ với chỉ huy Đồn Biên phòng Quất Lâm để xuống thực tế địa bàn phục vụ cho nội dung bài viết. Đến đơn vị, cũng như mọi lần chúng tôi nhận được tình cảm gần gũi, gắn bó và sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ chỉ huy và chiến sĩ trong đơn vị. Sau buổi sáng làm việc với các CBCS ở Đồn, buổi chiều chúng tôi được các cán bộ trong đơn vị dẫn xuống tìm hiểu địa bàn, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương, gắn bó, tin tưởng của bà con với CBCS Đồn Biên phòng Quất Lâm. Với những việc làm, chúng tôi được nghe, được kể, được “mục sở thị” chúng tôi càng hiểu vì sao các anh xây dựng được thế trận lòng dân vững bền đến thế. Sau khi hoàn thành khâu lấy tư liệu, để có được những hình ảnh sinh động cho bài viết, chúng tôi lại nhờ các anh bố trí giúp cho chúng tôi ghi lại những hoạt động tuần tra dọc tuyến biển của các anh. Đề nghị của chúng tôi cũng nhanh chóng được đáp ứng. Theo yêu cầu của chúng tôi, các anh bố trí đi dọc kè đá tuyến biển để tuần tra để chúng tôi tác nghiệp. Trong lúc mải mê tác nghiệp, tôi vô tình quên mất mình đang đứng trên bờ kè mà cứ lùi dần và bị trượt chân vấp ngã sấp xuống mấp mép nước. Sau “tai nạn” nghề nghiệp đó, tôi nhận được nhiều lời động viên, sự thông cảm và sẻ chia với những vất vả, khó khăn của một nữ phóng viên trong khi tác nghiệp. Nhưng có lẽ vất vả của chúng tôi cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với những khó khăn, vất vả mà các anh phải đương đầu ở nơi đầu sóng, ngọn gió để ngày đêm chắc tay súng giữ vững bình yên cho vùng biển của tỉnh.

Những bài viết về người lính quân hàm xanh đã góp một phần nhỏ bé để cán bộ và nhân dân trong tỉnh thấu hiểu về những cống hiến thầm lặng của những người lính biên phòng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển quê hương, từ đó khơi dậy ý thức hướng về và bảo vệ chủ quyền biên giới biển với những việc làm thiết thực, trách nhiệm trong mỗi người dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc./.

Bài và ảnh: Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com