Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác học sinh, sinh viên

08:06, 01/06/2015

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, học sinh, sinh viên (HSSV) có điều kiện thuận lợi tiếp cận các tri thức mới của thế giới nhưng cũng phải đối mặt với nhiều tác động không tốt từ mạng internet, từ lối sống ngoại lai không phù hợp ở ngoài xã hội. Đây là một thực tế đòi hỏi ngành GD và ĐT phải thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng việc bảo đảm kỷ cương nền nếp trong trường học, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV.

Học sinh Trường THCS Nghĩa Hưng trong một buổi sinh hoạt truyền thống.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Hưng trong một buổi sinh hoạt truyền thống.

Toàn tỉnh hiện có trên 300 nghìn HSSV. Hầu hết các em đều có ý thức trách nhiệm trong việc học tập và rèn luyện bản thân, có lối sống lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi học đường. Nhiều tấm gương học sinh vượt khó, hiếu học, học giỏi làm rạng danh gia đình, dòng họ và quê hương; nhiều học sinh có nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn; nhiều tổ chức HSSV hoạt động thiện nguyện như: “nồi cháo yêu thương”, “ngày chủ nhật hồng”… Các em cũng tích cực tham gia hoạt động tập thể, các phong trào xung kích, sáng tạo tình nguyện vì cộng đồng. Phong trào tình nguyện do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức đã trở thành phong trào thường xuyên trong tất cả các nhà trường với nhiều hình thức phong phú. 100% các nhà trường đã phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, có ý nghĩa giáo dục cao như thi: nữ sinh khéo tay, rung chuông vàng, thi văn nghệ, TDTT… Tuy nhiên, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ HSSV có ý thức phấn đấu chưa cao, không xác định được mục tiêu, lý tưởng cuộc sống, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; một số HSSV đề cao lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ các giá trị tinh thần, không quan tâm đến cộng đồng… Tình trạng HSSV lười học, trốn học tham gia các trò chơi điện tử mang tính bạo lực, học sinh vi phạm trật tự ATGT còn diễn ra phổ biến. Trường THCS Thị trấn Lâm (Ý Yên) ở vị trí trung tâm huyện, nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc bố mẹ ly hôn, mắc vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến việc học tập và rèn luyện của các em. Mặt khác, môi trường xung quanh trường học có nhiều quán điện tử, bi-a nên rất dễ lôi cuốn học sinh tham gia. Vì vậy, nhà trường đã tập trung xây dựng kỷ cương nền nếp thông qua các hoạt động Đội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đã giao nhiệm vụ cho chi Đoàn Thanh niên và Liên Đội TNTP Hồ Chí Minh kiện toàn tổ chức Đội ngay từ đầu năm học, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng em trong Ban chỉ huy Liên đội để các em theo dõi mọi hoạt động của từng chi Đội cũng như đội viên. Từ việc đội viên phải đeo khăn quàng đỏ, phù hiệu, mặc đồng phục, xếp hàng ra vào lớp, truy bài theo nhóm đến việc theo dõi các bạn đi học đúng giờ, không đi xe đạp trong trường đều được Liên Đội và chi Đội theo dõi nhắc nhở thường xuyên. Bên cạnh đó, Liên Đội đã thành lập một nhóm đội viên khối lớp 9 là những học sinh có ý thức tốt, học giỏi để theo dõi, phát hiện hiện tượng gây gổ đánh nhau dẫn đến bạo lực học đường, những học sinh ham chơi điện tử, hay giao du với thanh niên xấu ngoài nhà trường để  báo cáo với Bí thư chi Đoàn hoặc Tổng phụ trách Đội để xem xét, tìm cách tháo gỡ những khúc mắc, hiểu lầm của các em, tránh những xung đột không đáng có trong và ngoài nhà trường, đồng thời kết hợp với gia đình theo dõi, quản lý và giáo dục các em. Nhà trường tổ chức nhiều sân chơi bổ ích để tập hợp thu hút các em vào các sinh hoạt tập thể vui chơi lành mạnh như: Tổ chức trại Thu và liên hoan văn nghệ “Đêm hội trăng rằm”, tổ chức các môn thể thao: bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, thi các trò chơi dân gian…; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức thông qua hình thức “Rung chuông vàng”…; qua đó giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các em. Trong năm học vừa qua, nhà trường không có học sinh mắc vào các tệ nạn xã hội, các em đều có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác HSSV, trong những năm qua Sở GD và ĐT luôn chú trọng bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cơ bản cho giáo viên chủ nhiệm, các phương pháp kỷ luật tích cực, kỹ năng tư vấn tâm lý học đường cho học sinh trung học, trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên HSSV những kỹ năng cơ bản, xu thế đổi mới trong việc tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, quản lý, phát huy tính tự chủ, ý thức tự lập, tự rèn trong HSSV. Năm học 2014-2015, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc thi do Bộ GD và ĐT chỉ đạo và tổ chức, thu hút nhiều giáo viên, HSSV tham gia. Các cuộc thi đã giúp giáo viên thêm tâm huyết với nghề, gần gũi với HSSV, giúp các em nâng cao bản lĩnh, tự tin, lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước…, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của HSSV. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng GD và ĐT và đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai sáng tạo, có hiệu quả việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HSSV tại các nhà trường. Tích cực triển khai nội dung giáo dục truyền thống địa phương, lồng ghép tích hợp vào một số môn học và các hoạt động giáo dục có hiệu quả các nội dung: giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường, tích hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ý thức thực hiện pháp luật, phòng, chống tham nhũng, sức khỏe sinh sản học đường…

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác HSSV, thời gian tới các nhà trường cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp với giáo dục đạo đức, lối sống giữa nhà trường với gia đình, địa phương và các tổ chức Đoàn, Hội, Đội. Đồng thời quy định nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện bảo đảm và thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn tâm lý cho HSSV, cũng như nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy, cô giáo trong nhà trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa nhà trường và gia đình học sinh. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành GD và ĐT với các ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm kỷ cương nền nếp trong nhà trường./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com