Gia đình anh Nguyễn Văn Khái, hội viên chi Hội Nông dân (HND) số 4, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vốn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, công việc vất vả mà thu nhập chẳng được là bao. Năm 2010, HND tỉnh tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và anh đã đăng ký tham gia. Được học nghề, trở về địa phương, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn trên diện tích chuồng trại rộng 200m2. Ban đầu ít vốn, anh nuôi từ 20-30 con lợn thịt. Nhận thấy việc chăn nuôi có hiệu quả, anh phát triển đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Với phương thức nuôi “gối sóng”, mỗi năm, gia trại của gia đình anh xuất bán 4-5 lứa lợn cho thu nhập bình quân đạt từ 120-150 triệu đồng... Hiện anh còn làm đại lý cấp 1 cho Cty CP Thức ăn chăn nuôi Vina (Hải Dương), qua đó vừa chủ động nguồn thức ăn cho công việc chăn nuôi vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Tham quan trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Khái, chi hội 4, HND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp hội viên nông dân được tham gia lớp dạy nghề do HND tỉnh tổ chức, từ đó tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho hội viên, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố và các cơ sở Hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ động phối hợp với ngành LĐ-TB và XH, NN và PTNT để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở đó, HND tỉnh đã trực tiếp tổ chức các lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, HND tỉnh đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức để hội viên nông dân nắm được chủ trương dạy nghề. Trên cơ sở đó, huy động tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập, mời các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao… tham gia dạy nghề. Cùng với đó là những giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, nhận thức của lao động nông thôn, phù hợp với thực tế để khi hoàn thành khóa học, học viên có thể áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. HND cũng tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, các ngành nghề đào tạo cũng đa dạng hơn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo các nghề để phát triển các làng nghề truyền thống, chuyển giao các kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp… để phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương. Tập trung đào tạo các ngành nghề để cung ứng nhu cầu lao động địa phương cho các KCN, xuất khẩu lao động. Trong năm 2014, HND tỉnh đã trực tiếp dạy nghề cho 390 lao động với các nghề may công nghiệp, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản… Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh còn phối hợp Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố dạy nghề cho 2.100 lượt người; phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ NN và PTNT) tổ chức “Nhịp cầu nhà nông” cho trên 1.200 hội viên nông dân các huyện, thành phố, tạo điều kiện để hội viên nông dân với các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thực vật… Cùng với hoạt động dạy nghề, HND tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai các chương trình, dự án giúp nông dân phát triển sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận với chính sách và khoa học kỹ thuật và tham mưu với các cấp chính quyền tạo điều kiện cho hội viên nông dân được thuê đất, thuê mặt nước và các phương tiện khác để phát triển nghề sau khi học.
Để nâng cao chất lượng dạy nghề cho hội viên nông dân, đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Trung ương HND Việt Nam HND tỉnh phối hợp UBND Thành phố Nam Định tổ chức triển khai hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 2ha đất xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tại xã Nam Phong (TP Nam Định). Với tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng, đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành phấn đấu đưa vào sử dụng từ tháng 6-2015. Theo đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, hiện nay, Trung tâm đã có 5 giáo viên cơ hữu để đào tạo 4 nghề gồm: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; trồng trọt và trồng hoa cây cảnh. Khi Trung tâm mới đi vào hoạt động, HND tỉnh sẽ tổ chức thêm một số nghề mới như: dạy nghề mộc mỹ nghệ, trồng nấm, bảo vệ thực vật và thú y. Ngoài ra, Trung tâm sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo các lớp bồi dưỡng ngắn ngày trên địa bàn tỉnh; liên kết đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên; liên kết tổ chức xúc tiến thương mại để xuất khẩu lao động.
Với những giải pháp cụ thể, công tác dạy nghề cho hội viên nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho nông dân mở mang, phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn