Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch ở Hải Hậu

08:06, 22/06/2015

Hải Hậu là huyện ven biển, có điều kiện tự nhiên phong phú, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề truyền thống, giàu tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch: văn hoá, tâm linh, làng nghề, nghỉ dưỡng, tắm biển, du khảo đồng quê…  

Trên địa bàn huyện hiện có 31 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó 9 di tích cấp bộ, 22 di tích cấp tỉnh thờ Phật và những người có công khai hoang, mở đất. Nhiều di tích có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Quần thể đền Thuỷ tổ, chùa Lương và cầu Ngói xã Hải Anh, chùa Phúc Hải xã Hải Minh, đền chùa Xá Hạ xã Hải Bắc, chùa Quy Hồn Thị trấn Cồn, đền Bảo Ninh, xã Hải Phương… Trong đó, độc đáo nhất là công trình cầu Ngói xã Hải Anh được xây dựng theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) bắc ngang sông Trung Giang, được coi là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc. Cầu gồm 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ Quần Anh đã tạo bộ khung nhà cầu cong, uốn lượn mềm mại, mái ngói nam trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Từ năm 1533, đời Vua Lê Trang Tông đạo Thiên chúa đã được truyền bá vào Hải Hậu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều công trình nhà thờ giáo xứ, giáo họ quy mô lớn, kiến trúc đẹp như nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng, nhà thờ giáo xứ Kim Thành, xã Hải Vân, nhà thờ giáo xứ Kiên Chính, xã Hải Chính, nhà thờ đổ ven biển thuộc xã Hải Lý... Bên cạnh đó, vùng đất Quần Anh xưa, Hải Hậu ngày nay còn có nhiều làng nghề truyền thống phát triển, thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề như: nghề chạm khắc gỗ xã Hải Minh, nghề mộc Phạm Rỵ xã Hải Trung, hoa cây cảnh xã Hải Sơn, làm chiếu ở làng An Đạo xã Hải An, làm muối các xã: Hải Lý, Hải Chính… Du lịch nghỉ mát, tắm biển được phát triển mạnh với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh Khu du lịch biển Thịnh Long. Được xây dựng từ những năm 1970 sau khi cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc chấm dứt, tại bãi biển xã Hải Thịnh (nay là Thị trấn Thịnh Long) đã xây dựng những khu nhà nghỉ mát của Liên hiệp Công Đoàn và Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Năm 1997, Khu du lịch biển Thịnh Long được quy hoạch lại với diện tích 72,11ha và hiện nay đang trong giai đoạn mở rộng giai đoạn 2 với tổng diện là 361ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch từng bước được nâng cấp phát triển. Khu du lịch hiện có 22 khách sạn, 70 nhà nghỉ và hàng chục ki-ốt ven biển với tổng số trên 1.500 giường, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, tham quan nghỉ mát của du khách. Mỗi năm, khu du lịch đón, phục vụ trên 50 nghìn lượt khách với doanh thu du lịch đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Cầu Ngói Hải Anh (Hải Hậu) - điểm du lịch hấp dẫn du khách.  Bài và ảnh: Thanh Ngọc
Cầu Ngói Hải Anh (Hải Hậu) - điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Với tiềm năng du lịch phong phú, thời gian qua huyện Hải Hậu có nhiều hoạt động nhằm thu hút khách thập phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương đã sửa chữa các di tích lịch sử, văn hóa nhằm bảo tồn, giữ gìn cho các thế hệ sau và đồng thời là cơ sở phát triển du lịch văn hoá, tâm linh. Khu du lịch biển Thịnh Long tiếp tục được xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tu sửa hệ thống kè bị sạt lở để chống xói mòn, trồng bổ sung cây xanh theo quy hoạch tạo cảnh quan, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng... Ban quản lý Khu du lịch thường xuyên tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ, thương mại du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả kinh doanh phục vụ khách du lịch. Từ năm 2014 đến nay, việc Nhà nước triển khai xây dựng cảng Ninh Cơ tại cửa Lạch Giang đã tạo điều kiện nắn dòng chảy, qua đó đã bồi thêm cát cho các bãi tắm trong Khu du lịch biển Thịnh Long. Loại hình du lịch du khảo đồng quê bước đầu có sự phát triển khi ở các xã Hải Phong, Hải Toàn đã có một số người dân xây dựng các nhà nghỉ homestay (khách du lịch nghỉ tại nhà dân) để thu hút khách nước ngoài đến du lịch, trải nghiệm cuộc sống đồng quê, ăn nghỉ tại nhà dân. Một số điểm di tích trong huyện như quần thể Đền Thuỷ Tổ, chùa Lương, cầu Ngói xã Hải Anh, nhà thờ đổ ven biển xã Hải Lý, các nhà thờ lớn của các giáo xứ, giáo họ trong huyện… hằng năm đón tiếp hàng trăm du khách tự do và các đoàn khách du lịch do các Cty, doanh nghiệp lữ hành tổ chức.

Tuy nhiên để hoạt động du lịch của Hải Hậu phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới huyện cần phối hợp với Sở VH, TT và DL đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút và có chính sách ưu đãi các Cty lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nhằm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu, điểm du lịch, trong đó khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật Khu du lịch biển Thịnh Long trở thành điểm du lịch hấp dẫn; xây dựng các chương trình gắn kết giữa các điểm du lịch trong huyện, giữa huyện với các huyện khác để đưa du lịch huyện phát triển thành một ngành kinh tế./. 

Bài và ảnh: Thanh Ngọc  



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com