Hiệu quả mô hình Quỹ quay vòng vốn ở huyện Giao Thủy

09:06, 09/06/2015

Trong những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Giao Thủy đã triển khai hiệu quả Quỹ quay vòng vốn (QVV) xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, từng bước nâng cao nhận thức của hội viên về công tác bảo vệ môi trường, từ đó làm thay đổi hành vi và ý thức việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch trong cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Xã Bình Hòa là một trong 6 xã của huyện Giao Thủy được tiếp nhận dự án Quỹ QVV do Hội Phụ nữ tỉnh quản lý và điều hành từ năm 2008 Trước đây, tỷ lệ cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong xã sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch chiếm tỷ lệ rất thấp. Môi trường ô nhiễm trầm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, hội viên và nhân dân. Sau khi chương trình được phân bổ về xã, ban đầu mới có 40 cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo có nhà tiêu xuống cấp được vay vốn để sửa chữa xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay đã có gần 500 hội viên phụ nữ trong xã được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ QVV với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Chị Phạm Thị Lành, một trong những hội viên được vay vốn Quỹ QVV của xã Bình Hòa cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi được vay 6 triệu đồng từ Quỹ QVV từ Ban quản lý quỹ của xã, tôi đã bàn bạc và vận động chồng vay mượn thêm để xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm khép kín diện tích 30m2. Khi vay vốn, tôi phải đóng thêm vốn đối ứng để lắp đặt hệ thống nước sạch, nhờ vậy đến nay, gia đình tôi vừa có nước sạch vừa có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng; sức khỏe của các thành viên trong gia đình ngày càng được cải thiện, đồng thời đảm bảo môi trường gia đình và cộng đồng”. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Hòa đã có khoảng 97% người dân trong xã đã có nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% các hộ dân trong xã sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Bám sát mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư, từ năm 2008, khi triển khai Quỹ QVV trên địa bàn huyện, Ban quản lý đã ưu tiên tập trung vào những hộ hội viên phụ nữ nghèo chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh và nhà vệ sinh tạm bợ. Thời gian đầu, Quỹ QVV hỗ trợ hội viên vay 2 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà tiêu và 3 triệu đồng/hộ xây mới công trình vệ sinh, sau đó nâng lên 6 triệu đồng/hộ. Với cách thức tín dụng, tiết kiệm trả dần hằng tháng phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của phụ nữ nông thôn, do vậy, Quỹ QVV được cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình. Để Quỹ QVV được hoạt động có hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện, đến từng chi hội về mục tiêu cơ chế hoạt động của quỹ; lợi ích của việc sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời tổ chức tập huấn cho Ban quản lý quỹ các xã, nhóm trưởng, nhóm phó về công tác quản lý nguồn vốn, kiểm tra, giám sát đối tượng vay vốn, mục đích sử dụng vốn, tiến độ công trình và đôn đốc các hộ gia đình thực hiện đúng cam kết khi tham gia vay vốn. Bên cạnh đó, các xã tiến hành khảo sát thực trạng công trình vệ sinh hộ gia đình tại địa phương; nhu cầu vay vốn của từng hội viên; bình xét các hộ trong diện được vay; thành lập các nhóm vay vốn; hướng dẫn các hộ hoàn thành hồ sơ vay vốn; thẩm định thực trạng và đề nghị cấp trên xét duyệt, giải ngân. Đến nay, Hội LHPN huyện đã thẩm định và tiến hành giải ngân cho trên 3.000 thành viên thuộc 96 nhóm vay tại 6 xã Bình Hòa, Hồng Thuận, Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Nhân, Giao Châu với số vốn lũy kế gần 13 tỷ đồng. Riêng quý I-2015, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã giải ngân vốn cho trên 50 hộ gia đình hội viên với số tiền trên 300 triệu đồng; trong quý II-2015, các cấp Hội đang tiến hành thẩm định và dự kiến trung tuần tháng 6 giải ngân lần 2 cho khoảng 90 hộ gia đình hội viên với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.

Do có sự quản lý chặt chẽ, giám sát thường xuyên nên 100% hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đã hoàn trả vốn gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn, không có nợ tồn đọng. Hằng năm, Ban quản lý quỹ các cấp trong huyện đều tiến hành bình xét và biểu dương các tổ vay vốn quản lý sổ sách tốt, các cá nhân thực hiện vay vốn và xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Đồng chí Lê Thị Đan, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Từ số “vốn” ít ỏi ban đầu, nhiều hội viên phụ nữ đã vận động gia đình vay mượn thêm xây dựng công trình vệ sinh với tổng chi phí lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có tới 90% hội viên phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch, từ đó, môi trường sống của hội viên được nâng lên đáng kể.

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ Giao Thủy tiếp tục mở rộng địa bàn triển khai quỹ để nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo chưa có công trình vệ sinh đảm bảo được tiếp cận với nguồn vốn, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe gia đình và cộng đồng dân cư, tiến tới xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM./.

Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com