Xã Hải Minh (Hải Hậu) có hơn 18 nghìn dân, trong đó có gần 3.000 trẻ em dưới 6 tuổi. Là địa phương có nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, những năm qua, cùng với sự phát triển của làng nghề, đời sống của người dân làng nghề ngày càng được nâng cao, con em được quan tâm, chăm lo học hành. Trẻ em trong độ tuổi của xã đều được đến trường và được giáo dục trong môi trường đạt tiêu chuẩn; trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng… Tuy nhiên công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của xã vẫn gặp khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức và kỹ năng của người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ nên trên địa bàn xã vẫn xảy ra một số trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích gây tử vong (năm 2014, có 1 trẻ bị tai nạn giao thông, 1 trẻ bị đuối nước). Thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, từ tháng 3-2015, được sự quan tâm của Sở LĐ-TB và XH, UBND xã Hải Minh đã triển khai xây dựng mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo tất cả trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, bình đẳng về cơ hội phát triển và được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản theo quy định của pháp luật.
Cô và trò Trường Mầm non Hải Minh làm mô hình "Công viên của bé". |
Triển khai xây dựng mô hình, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện mô hình do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và thành viên gồm trưởng các ban, ngành, đoàn thể, hiệu trưởng các trường học trong xã; xây dựng đội ngũ CTV gồm các trưởng xóm và CTV dân số - KHHGĐ của xã; xây dựng kế hoạch hành động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, CTV, triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em; trợ giúp kịp thời cho trẻ em bị tổn thương, tạo cơ hội cho các em được tái hòa nhập cộng đồng. Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB và XH) phối hợp với UBND xã tổ chức tập huấn nội dung của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; nội dung hoạt động của mô hình; các loại tai nạn thương tích và cách phòng, chống; kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng tránh tai nạn đuối nước, động vật cắn, ngộ độc, những trò chơi nguy hiểm; cách quản lý, theo dõi tai nạn thương tích trẻ em… cho các thành viên BCĐ, đội ngũ cộng tác viên trong xã. Xã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, 10 nhóm quyền của trẻ em theo luật, các loại tai nạn thương tích trẻ em và những biện pháp phòng tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình nói riêng; hướng dẫn xây dựng tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, chống tai nạn thương tích trẻ em… trên hệ thống đài truyền thanh, thông qua các cuộc họp của xã, các đoàn thể và 26/26 xóm; phát 2.000 tờ rơi về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tới từng hộ dân. Các trường tiểu học, THCS đều tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước cho học sinh thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp để các em chủ động phòng tránh những tai nạn không đáng có. Hiện nay đang là thời điểm kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà trường đều tổ chức bàn giao học sinh cho Đoàn Thanh niên quản lý và tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em. Theo tiến độ xây dựng mô hình, xã đang triển khai tổ chức cho các gia đình ký cam kết xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, chống tai nạn thương tích trẻ em, dự kiến hoàn thành vào trung tuần tháng 6; đồng thời tổ chức tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho 100% học sinh trong xã. Đồng chí Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ thực hiện mô hình cho biết: Trên địa bàn xã có 3 sông lớn đi qua là sông Đối, sông Múc và sông Trệ và có rất nhiều kênh, ngòi, ao hồ, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em. Xã đã triển khai rà soát các điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tai nạn giao thông; giao cho các ngành, đoàn thể, trường học cắm biển báo giao thông tại cổng các trường học, khu vực có đông trẻ em tham gia giao thông, cắm biển báo nguy hiểm đuối nước tại các ao hồ lớn, khu vực nguy hiểm; đồng thời tuyên truyền, cảnh báo cho trẻ em và các bậc phụ huynh tăng cường quản lý con em, phòng tránh các điểm nguy hiểm.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở Hải Minh đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng, thu hút được cả hệ thống chính trị, các gia đình và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… Thời gian qua trên địa bàn xã không có trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích. Các gia đình trong xã đã quan tâm nhiều hơn đến con em, tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; loại bỏ, giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ gây tổn thương, xâm hại trẻ em, tạo thuận lợi cho trẻ được phát triển toàn diện./.
Bài và ảnh: Minh Tân