Hải Hưng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

09:06, 23/06/2015

Xã Hải Hưng (Hải Hậu) có 3.500 hộ, với trên 11 nghìn khẩu. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Theo số liệu thống kê, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm 7,28%, năm 2014 giảm xuống còn 5,68% và đến nay còn 2,71%.

Cơ sở mộc mỹ nghệ của ông Lương Thanh Tâm, ở xóm 10, xã Hải Hưng tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở mộc mỹ nghệ của ông Lương Thanh Tâm, ở xóm 10, xã Hải Hưng tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Đạt được kết quả trên, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, đoàn viên về chủ trương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo của xã, đồng thời triển khai kịp thời các chính sách kinh tế - xã hội hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước. Hằng năm, xã tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó phân tích, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng là do thiếu vốn, bị tàn tật hoặc ốm đau thường xuyên, người già sống đơn thân không có sức lao động; trên cơ sở đó xây dựng triển khai các giải pháp phù hợp, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đối với nhóm hộ nghèo do thiếu vốn, xã tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, toàn xã có 700 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ trên 9 tỷ đồng theo các chương trình: giải quyết việc làm, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên. Cùng với việc được vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được quan tâm, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm; được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng tham gia học nghề theo Đề án 1956 do tỉnh, huyện tổ chức, từ năm 2013 đến nay, xã đã tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: hàn, mộc, may công nghiệp, trồng hoa, cây cảnh, đan bẹ chuối cho hơn 500 người, chủ yếu là lao động hộ nghèo và cận nghèo. Xã chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, các doanh nghiệp lớn đang đầu tư sản xuất trên địa bàn lân cận như Cty CP May Sông Hồng (CCN Hải Phương), Cty May Đạt Thành (xã Hải Thanh) hằng năm tổ chức từ 3 đến 5 lớp dạy nghề may công nghiệp cho hàng trăm lượt lao động. Sau khóa học, người lao động đều tìm được việc làm phù hợp, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Xã ưu tiên quy hoạch để tạo quỹ đất cho sản xuất CN-TTCN, đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, hằng năm, Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức từ 10 đến 15 lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, chuyển giao KHKT cho khoảng 1.500 lượt hội viên với các chuyên đề như: quy trình trồng, chăm sóc cây vụ đông, quy trình chăm sóc lúa, nuôi lợn, nuôi thủy sản, trồng cây cảnh…; xây dựng mô hình trình diễn lúa lai GS33; mô hình lúa lai GS9 và lúa lai LH1; chuyển giao kỹ thuật gieo cấy giống lúa M1. Qua đó, các hộ đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiêu quả kinh tế. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước phát triển mới: diện tích gieo sạ chiếm trên 80%; năng suất lúa năm 2014 đạt 126,5 tạ/ha, tăng 5,3 tạ so với năm 2013. Phát huy lợi thế có làng nghề trồng hoa ở xóm 3 thôn Bắc Hưng, làng nghề cây cảnh thôn Nam Lễ, xã đã quy hoạch diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích 11ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Làng nghề mây tre đan ở các xóm 8, 9, 10, 11, 12; làng nghề mộc thôn Hưng Nghĩa được xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Nhờ đó, làng nghề mộc thôn Hưng Nghĩa tạo việc làm cho gần 400 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó thợ có tay nghề cao thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Nghề trồng hoa, cây cảnh thu hút trên 150 lao động; nghề mây tre đan thu hút trên 2.000 lao động… Cùng với hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, 100% số người nghèo, cận nghèo trong xã được cấp thẻ BHYT theo quy định của Nhà nước và của tỉnh. Năm 2014, xã đã xác nhận miễn, giảm học phí cho 202 học sinh; từ đầu năm 2015 đến nay xác nhận miễn, giảm học phí cho 193 học sinh và hàng chục học sinh, sinh viên con hộ nghèo được vay vốn tiếp tục đến trường. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong 3 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, xã đã hỗ trợ xây, sửa nhà cho 10 hộ nghèo, mỗi hộ 15 triệu đồng.

Với những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, xã Hải Hưng đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com