Đẩy mạnh dạy nghề cho thương, bệnh binh và người khuyết tật

08:06, 08/06/2015

Tháng 5-2012, Hiệp hội sản xuất và dạy nghề của thương, bệnh binh và người khuyết tật Nam Định được thành lập. Qua 3 năm hoạt động, Hiệp hội đã tập hợp được 150 doanh nghiệp thành viên và 40 hội viên, trở thành mái nhà chung của thương, bệnh binh và người khuyết tật. Các hội viên, thành viên chăm lo giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tạo việc làm và cơ hội để người khuyết tật vươn lên, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Anh Phạm Thành Công, 19 tuổi, ở Thành phố Nam Định bị câm điếc bẩm sinh làm việc tại Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, TP Nam Định) có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.
Anh Phạm Thành Công, 19 tuổi, ở Thành phố Nam Định bị câm điếc bẩm sinh làm việc tại Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, TP Nam Định) có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Thế Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết: Xác định công tác dạy nghề có ý nghĩa quan trọng, giúp người khuyết tật có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định nên ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hiệp hội đã khảo sát tất cả các cơ sở sản xuất của hội viên để nắm được tình hình hoạt động, nhu cầu học nghề, việc làm của thương, bệnh binh và người khuyết tật. Trên cơ sở đó, Hiệp hội xây dựng kế hoạch dạy nghề, huy động mọi nguồn lực và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho thương, bệnh binh và người khuyết tật. Ngay từ năm 2013, bằng nguồn kinh phí của Hiệp hội thương, bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam hỗ trợ, Hiệp hội đã tổ chức 4 lớp dạy nghề may cho 150 học viên. Các học viên được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, học phí với chi phí 1,5 triệu đồng/tháng. Để khóa học đạt chất lượng, hiệu quả cao, Hiệp hội mời Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Nam Định cử cán bộ, giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật. Sau khóa học 3 tháng, với phương pháp cầm tay chỉ việc, hầu hết các học viên đều nắm vững các kiến thức cơ bản và thực hiện thành thạo các kỹ thuật may. Sau khóa học, Hiệp hội giới thiệu, bố trí việc làm cho học viên tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các thành viên. Vì vậy, hầu hết các học viên sau khi được đào tạo nghề có việc làm, với thu nhập ổn định từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 70% số học viên làm việc trong các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội. Đối với học viên xin việc làm ở doanh nghiệp ngoài Hiệp hội hoặc làm việc tại gia đình thì được hỗ trợ 500 nghìn đồng. Năm 2014, cũng từ kinh phí hỗ trợ của Hiệp hội thương, bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam Hiệp hội tiếp tục tổ chức dạy nghề cho 300 thương, bệnh binh và người khuyết tật, với 5 lớp dạy nghề may cho 200 học viên và 2 lớp tin học văn phòng cho 100 học viên; thời gian học trong 3 tháng, học viên được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng. Các học viên đều được bố trí việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Cùng với công tác dạy nghề cho thương, bệnh binh và người khuyết tật, Hiệp hội làm tốt chức năng tập hợp, kết nối hội viên, cùng chăm lo giúp đỡ nhau phát triển hòa nhập cộng đồng. Các doanh nghiệp thành viên vừa dạy nghề, truyền nghề, vừa tạo việc làm cho hàng trăm lao động là thương binh, bệnh binh và người khuyết tật trong tỉnh. Tiêu biểu là các doanh nghiệp: Cty 27-7 Hải Hậu có 80 lao động là thương, bệnh binh, người khuyết tật trong tổng số 105 lao động; Cty CP Dệt may Minh Vuông (Xuân Trường) có 60/115 lao động là người khuyết tật; Cty May Trí Tâm (TP Nam Định) có 28/52 lao động là người khuyết tật; Doanh nghiệp tư nhân may Triệu Thắng (Ý Yên) cả 20 lao động là người khuyết tật; Cty CP Dệt may Thành Công (TP Nam Định) có 57/78 lao động là người khuyết tật… Hiệp hội thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên hiểu rõ, chấp hành pháp luật; phổ biến các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Hiệp hội đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người tàn tật được hưởng ưu đãi theo Quyết định 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của người khuyết tật được miễn, giảm (tùy theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật) tiền thuê đất, thuê mặt nước, được vay vốn ưu đãi 0,325%, thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều thành viên của Hiệp hội đã đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.

Năm 2015, Hiệp hội của thương, bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam tiếp tục cấp kinh phí cho Hiệp hội tổ chức dạy nghề miễn phí cho 1.000 thương, bệnh binh và người khuyết tật. Hiệp hội đã xây dựng triển khai kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề may, nghề thêu ren, xoa bóp bấm huyệt, dạy tin học văn phòng, làm hoa đất, mây tre đan… cho người khuyết tật trong tỉnh. Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hiệp hội sản xuất và dạy nghề của thương, bệnh binh và người khuyết tật Nam Định đã được Hiệp hội của thương, bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam đánh giá là một trong những Hiệp hội thành viên hoạt động mạnh và hiệu quả./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com