Đẩy mạnh các dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

08:06, 15/06/2015

Tại tỉnh ta, tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai hằng năm chiếm khoảng 0,24-0,29%. Thực hiện Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh ta đã tiếp nhận và triển khai gói dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC). Trên địa bàn tỉnh hiện có Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu triển khai dịch vụ can thiệp PLTMC. Trong đó Bệnh viện Phụ sản tỉnh triển khai tất cả các dịch vụ (dịch vụ trọn gói). Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu triển khai các dịch vụ: tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tất cả các trạm y tế xã; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị HIV để khám và chẩn đoán lâm sàng, điều trị ARV. Điều trị PLTMC cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV theo phương án B+ (phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng 3 thuốc suốt đời ngay từ khi phát hiện nhiễm HIV) và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng đến 6 tuần tuổi. Tư vấn phòng tránh lây nhiễm cho người khác, tư vấn chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân; chuyển tiếp trẻ tới dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho trẻ em. Trong 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 5.061 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là 5.052 người, trong đó 4 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện, 3 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã tới sinh con và đều được điều trị PLTMC, cả 3 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị PLTMC.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Thành phố Nam Định.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Thành phố Nam Định.

Hưởng ứng Tháng cao điểm PLTMC năm 2015 do Bộ Y tế phát động từ 1-6 đến 30-6-2015, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh. Ngay từ đầu tháng 6, các hoạt động của Tháng cao điểm PLTMC đã được triển khai gồm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Tháng cao điểm PLTMC ở các địa phương, đơn vị, triển khai các can thiệp về PLTMC tại các cơ sở y tế; tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm. Mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đều tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông về PLTMC. Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp PLTMC và hiệu quả của các biện pháp can thiệp PLTMC; giới thiệu rộng rãi địa chỉ các cơ sở cung cấp dịch vụ PLTMC tại địa phương… Đặc biệt, trong Tháng hành động các đơn vị, cơ sở y tế đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại cơ sở y tế; mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã, phường. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao hoặc nơi phụ nữ mang thai khó tiếp cận với dịch vụ y tế; đảm bảo cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ tuân thủ điều trị; tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS đảm bảo kịp thời điều trị PLTMC. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh là đầu mối triển khai Tháng cao điểm PLTMC của tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị hữu quan trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho người dân, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai về HIV/AIDS và lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; cung cấp sinh phẩm cho các đơn vị theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS... Các đơn vị cung cấp dịch vụ PLTMC chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, tăng cường tiếp cận và chất lượng dịch vụ PLTMC, tổ chức các hoạt động quảng bá dịch vụ, kéo dài thời gian mở cửa, nhất là ngoài giờ hành chính, thực hiện tối đa dịch vụ chuyển tuyến, chuyển tiếp. Trung tâm CSSKSS tỉnh tư vấn về HIV/AIDS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; tư vấn về các can thiệp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện có; giới thiệu phụ nữ mang thai có nguy cơ lây nhiễm HIV tới các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến cơ sở cung cấp dịch vụ PLTMC và đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ. Bệnh viện Nhi tỉnh chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng nhiễm HIV của trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tư vấn và lấy máu làm xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi; cung cấp sữa ăn thay thế cho các trường hợp người chăm sóc trẻ đủ điều kiện và lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa ăn thay thế sữa mẹ; điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền cho người dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai về HIV/AIDS, đặc biệt là vấn đề lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV tới Bệnh viện Phụ sản tỉnh và các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS trên địa bàn để được theo dõi, chăm sóc thai nghén và dự phòng lây truyền mẹ con, điều trị HIV cho bản thân; hướng dẫn nghiệp vụ cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện Tháng cao điểm. Bệnh viện Đa khoa các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về HIV/AIDS và đặc biệt là vấn đề lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tư vấn về HIV/AIDS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai đến khám thai, sinh con...

Các dịch vụ can thiệp PLTMC được triển khai tích cực, góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng ở tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com