Đa dạng các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

09:06, 16/06/2015

Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nam Định, giai đoạn 2011-2020 tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình.

Để thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), thời gian qua, các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và VSTBPN; các kiến thức liên quan đến phụ nữ, trẻ em, kiến thức về giới; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, hội thi tìm hiểu về bình đẳng giới; xây dựng các mô hình: “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); “Đội can thiệp nhanh” và “Địa chỉ tin cậy” tại 2 xã Yên Hồng và Yên Tân (Ý Yên); thành lập và duy trì hoạt động các CLB nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời trao đổi kinh nghiệm công tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Từ năm 2014 đến nay, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, với các chuyên đề: Hệ thống các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác bình đẳng giới và VSTBPN; Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bình đẳng giới và VSTBPN; Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ… cho 763 học viên là lãnh đạo các phòng, ban của Thành phố Nam Định, lãnh đạo các ngành, đoàn thể của các huyện, thành phố và một số xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác bình đẳng giới. Ban VSTBPN tỉnh còn tổ chức 2 hội thảo về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; biên soạn và phát hành hơn 10 nghìn tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới, VSTBPN tới cơ sở… Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức quán triệt nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020 và chương trình, kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên. Tiêu biểu như Hội LHPN tỉnh phối hợp với

Cty May TNHH Garnet (KCN Hoà Xá, TP Nam Định) tạo việc làm cho trên 300 lao động nữ.
Cty May TNHH Garnet (KCN Hoà Xá, TP Nam Định) tạo việc làm cho trên 300 lao động nữ.

Sở GD và ĐT, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn tổ chức 57 cuộc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và kiến thức về giới cho 14.250 lượt nữ công nhân, viên chức, hội viên phụ nữ. Tổ chức hội thi “Cán bộ hội viên phụ nữ giỏi” năm 2014, thu hút 483 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh tham gia. Ban VSTBPN Công an tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và VSTBPN cho hơn 100 học viên là thành viên Ban VSTBPN, lãnh đạo các phòng ban, Công an các huyện, thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban VSTBPN, triển khai thực hiện đúng, đủ các chính sách liên quan đến phụ nữ và lao động nữ, lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới vào nghị quyết, chương trình công tác năm của từng đơn vị. Ban VSTBPN Sở Tư pháp phối hợp với Hội LHPN tỉnh và một số ngành chức năng tuyên truyền các văn bản pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho, nhận con nuôi, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cấp phiếu lý lịch tư pháp, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài; đẩy mạnh tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trung bình mỗi năm trợ giúp pháp lý 700 vụ việc do phụ nữ yêu cầu. Ban VSTBPN các ngành LĐ-TB và XH, GD và ĐT, VH, TT và DL… đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH, vận động chị em tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp và ngành phát động, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và VSTBPN với những nội dung cụ thể, hấp dẫn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, các cấp, các ngành đã từng bước nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới và VSTBPN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, từng bước giảm dần khoảng cách giữa nam và nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các giá trị của đời sống xã hội. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác bình đẳng giới và VSTBPN đã được lồng ghép với việc thực hiện pháp luật lao động, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ ở các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nguy hiểm, độc hại và lao động nữ đang trong thời kỳ mang thai. Các chương trình như: giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, chương trình giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt, giáo dục truyền thống, phẩm chất phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước… được triển khai hiệu quả. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực vào vị trí chủ chốt của tỉnh, địa phương được các cấp quan tâm chỉ đạo. Số cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ hằng năm đều tăng, tạo cơ hội cho cán bộ nữ rèn luyện, phấn đấu. Hiện nay, số cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh là 24 đồng chí, chiếm 12,8%; cán bộ nữ cấp huyện và phòng, ban các sở, ngành là 360 đồng chí, chiếm 25,2%.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp uỷ, chính quyền đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới và VSTBPN. Quan tâm bồi dưỡng và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ làm công tác bình đẳng giới. Tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động VSTBPN ở các sở, ngành, đoàn thể. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và VSTBPN ở các đơn vị, địa phương; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình; xử lý nghiêm những vi phạm quy định về bình đẳng giới, tiến tới thực hiện mục tiêu về cơ bản đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com