Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ trương nhân rộng mô hình sản xuất tập thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều mô hình thí điểm tổ liên kết sản xuất tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mang lại hiệu quả rõ nét.
Xã Hải Lộc (Hải Hậu) là xã ven biển có truyền thống thâm canh cây lúa và khai thác thủy sản. Với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, ngoài những ngành nghề truyền thống, thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân đã tìm và đưa vào canh tác một số giống cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh như đinh lăng, dây thìa canh mang lại giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ, máy móc, thiết bị chưa được đầu tư; kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu chưa nghiêm ngặt và đảm bảo yêu cầu, do vậy năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường chưa cao, hiệu quả kinh doanh thấp, đầu ra bấp bênh, chưa ổn định, mỗi xã viên phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các đại lý bán hộ. Nắm bắt kịp thời chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, tháng 7-2014, HTX trồng cây dược liệu được thành lập với số vốn điều lệ 300 triệu đồng, thu hút 30 xã viên là cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia (mỗi thành viên đóng góp 10 triệu đồng); tổng diện tích canh tác là 150 sào chủ yếu là trồng cây dây thìa canh. HTX được thành lập và đi vào hoạt động, Ban quản trị HTX đã đại diện xã viên ký hợp đồng với đại lý phân bón đảm bảo cung cấp phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, ưu đãi; đồng thời ký hợp đồng với Cty CP Nam Dược bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp xã viên yên tâm sản xuất. Nhằm hỗ trợ HTX duy trì và phát triển tốt, Trung ương Hội hỗ trợ máy sấy dược liệu với tổng trị giá 90 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng mua phân bón, đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên về quy trình, kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến theo công nghệ VietGap đồng thời hướng dẫn Ban quản trị điều hành HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Tham gia HTX trồng cây dược liệu, xã viên được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền 50 triệu đồng; vốn quỹ tiết kiệm 40 triệu đồng ưu tiên cho các xã viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, không lãi. Ngoài ra, xã viên còn được tạo điều kiện vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Được hỗ trợ vốn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón, xây dựng hệ thống cọc chống, đỡ, dàn lưới… nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Năm 2014, thu hoạch được 4 vụ/năm; xã viên bình quân thu lãi đến trên 13 triệu đồng/sào, tăng gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Từ mô hình HTX trồng cây dược liệu, HTX đã hỗ trợ hàng chục hội viên phát triển kinh tế nâng cao mức sống, tạo điều kiện quan trọng để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Vùng trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn VietGAP của xã viên HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu). |
Năm 2014, tổ liên kết hàng thêu ren xuất khẩu tại Yên Phú (Ý Yên) ra đời. Tổ liên kết đã trở thành “mái nhà chung” cho chị em phụ nữ nghèo trong và ngoài xã. Theo chị Lê Thị Khanh, tổ trưởng tổ liên kết thêu ren xuất khẩu: Yên Phú là địa phương có diện tích đất canh tác ít, bình quân 1 sào/người. Trong khi đó, do điều kiện tự nhiên và giao thông không thuận tiện nên người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Được các cấp Hội hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ đã tiếp thêm động lực giúp tôi quyết tâm đứng ra thành lập tổ liên kết hàng thêu tay xuất khẩu thu hút 30 thành viên tham gia. Thời gian đầu, tổ liên kết được hỗ trợ văn phòng và các dụng cụ đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập huấn, giảng dạy. Các thành viên của tổ liên kết được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm để nâng cao tay nghề thêu. Từ năm 2014 đến nay, tổ liên kết đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hàng chục lớp phổ biến, giới thiệu về mẫu mã sản phẩm, nâng cao tay nghề giúp cho thành viên nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, thành viên tham gia tổ liên kết được ưu tiên nhận hàng kỹ về làm khi tổ có đơn đặt hàng mới, nhờ đó công việc ổn định hơn, tăng thu nhập. Để tạo niềm tin cho khách hàng và tăng sản phẩm tiêu thụ, các chị em trong tổ liên kết đã không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, học thêm kỹ thuật thêu, đa dạng hóa sản phẩm và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới. Nhờ vậy, sản phẩm thêu từ tổ liên kết ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng; tìm được bạn hàng lâu dài. Từ khi tổ liên kết đi vào hoạt động nền nếp đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ nghèo. Bình quân, thành viên tổ liên kết thu nhập 2,4 triệu đồng/người/tháng. Số tiền đó giúp chị em trang trải cuộc sống hằng ngày và có thêm tích lũy cho con cái học hành.
Các mô hình liên kết bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt giúp hội viên phụ nữ tham gia mô hình nâng cao tay nghề, kỹ thuật, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm giúp hội viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tích cực đẩy mạnh việc thành lập các mô hình phụ nữ liên kết phát triển kinh tế thu hút đông đảo phụ nữ tham gia nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung